Tin tức
Sửa Nghị định 134/2016/NĐ-CP: Sửa quy định về cơ sở để xác định hàng hoá miễn thuế đối với hàng gia công
Cập nhật: 09/05/2018
Lượt xem: 2117
Để minh bạch về chính sách và tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý loại hình gia công của cơ quan Hải quan, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 10 về cơ sở để xác định hàng hoá miễn thuế đối với hàng hoá NK để gia công, sản phẩm gia công XK.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Phong, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang

Còn nhiều cách hiểu khác nhau

Phân tích những vướng mắc trong quá trình thực hiện Khoản 2 và Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, ban soạn thảo cho biết, nội dung quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 10 chưa nêu cụ thể chủ thể thông báo hợp đồng gia công là người nộp thuế hay tổ chức, cá nhân nhận gia công lại nên dẫn đến gặp vướng mắc trong thực hiện. Cụ thể, trường hợp gia công lại trong nội địa không phát sinh thủ tục hải quan (đã được hướng dẫn tại Điều 62 Thông tư 38/2015/TT-BTC trừ trường hợp DN chế xuất).

Theo quy định tại Điều 60 Luật Hải quan và Điều 37 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, trường hợp phát sinh gia công lại, người khai hải quan phải thông báo bằng thủ tục thông báo cơ sở sản xuất (theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL quy định Thông tư số 38/2015/TT-BTC). Với quy định như trên chưa thống nhất với quy định hiện hành về quản lý hải quan. Hơn thế nữa, việc thông báo hợp đồng gia công lại phát sinh thủ tục tiếp nhận, xử lý đối với hợp đồng gia công lại (ký giữa DN nhận gia công cho thương nhân nước ngoài và DN nội địa nhận gia công lại).

Bên cạnh đó, nội dung điểm e Khoản 1 Điều 10 nêu “hàng hoá NK để gia công nhưng được phép tiêu huỷ tại Việt Nam và thực tế đã tiêu huỷ được miễn thuế”  tuy nhiên, tại điểm c Khoản 2 Điều 10 có quy định cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế là “nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được sử dụng để gia công, sản xuất sản phẩm đã XK”. Do vậy, có ý kiến cho rằng hàng hoá NK đã tiêu huỷ nên không sử dụng để gia công, sản xuất sản phẩm vì vậy, không đủ điều kiện để được miễn thuế.

Toàn bộ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 10 là cơ sở để người khai hải quan thực hiện quyết toán với cơ quan Hải quan sau khi kết thúc hợp đồng gia công trong khi việc miễn thuế NK đối hàng hoá NK để gia công theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Luật thuế số 107/2016/QH13 sẽ được thực hiện ngay tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhưng tiêu đề của Khoản 2 Điều 10 không thể hiện rõ là cơ sở để kiểm tra khi người khai hải quan thực hiện quyết toán hợp đồng gia công.

Riêng đối với quy định miễn thuế theo tỷ lệ 3% tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134, cơ quan Hải quan đánh giá việc thực hiện đang phát sinh vướng mắc về tỷ lệ 3% do có nhiều cách hiểu khác nhau: Việc miễn thuế NK theo tỷ lệ 3% chỉ áp dụng đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công hay việc miễn thuế NK theo tỷ lệ 3% áp dụng đối với cả phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công?

Theo Tổng cục Hải quan, cách hiểu thứ 2 là không phù hợp với thực tế của lĩnh vực gia công, vì hoạt động gia công thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau thì tỷ lệ phế liệu, phế phẩm khác nhau. Đặc biệt ngành nghề thủy sản có tỷ lệ phế liệu, phế phẩm chiếm 50% tổng lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa. Thực tế rất khó xác định tỷ lệ 3% của phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công; tăng thủ tục hành chính cho công chức hải quan và DN trong quá trình thực hiện; khó kê khai, tính thuế do chưa có hướng dẫn kê khai tính thuế (DN tự kê khai tính thuế theo giá trị thương mại còn lại hay trị giá nguyên liệu vật tư dư thừa tại thời điểm NK và việc kê khai, tính thuế khi chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện trên tờ khai hải quan mới hay trên bảng kê).

Hơn thế nữa, theo ý kiến phản ánh của các DN khi quyết toán hợp đồng gia công đều để tỷ lệ 3% nguyên liệu, vật tư được miễn thuế mặc dù thực tế tỷ lệ nguyên liệu vật tư dư thừa không đến 3%. Số nguyên liệu vật tư dư thừa sẽ được miễn thuế NK để tiêu thụ nội địa mặc dù phải nộp thuế GTGT nhưng số thuế phải nộp sẽ ít hơn nhiều (do không phải nộp thuế NK và trị giá tính thuế GTGT ít hơn).

Sửa để minh bạch về chính sách

Vì vậy, để minh bạch về chính sách, tạo thuận lợi trong công tác quản lý loại hình gia công của cơ quan Hải quan, đồng thời khắc phục được tình trạng gian lận trong tỷ lệ 3% được miễn thuế, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 10 tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung tiêu đề Khoản 2 Điều 10 như sau “2. Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế khi thực hiện quyết toán hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan”.

Điểm b Khoản 2 Điều 10 sửa đổi, bổ sung như sau: “b) Người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế có cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thông báo cơ sở gia công, sản xuất, hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan”.

Điểm c Khoản 2 Điều 10 sửa đổi, bổ sung như sau: “c) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được sử dụng để thực hiện hợp đồng gia công XK.

Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được miễn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công thực tế XK, được xác định khi quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư NK để gia công sản phẩm XK theo quy định của pháp luật về hải quan.

Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã NK tương ứng với sản phẩm gia công không XK phải chịu thuế NK theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK.

 

 

Theo đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đơn vị này đã rà soát các bất cập hiện hành trong quá trình thực hiện Nghị định 134/2016/NĐ-CP, theo đó, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Hải quan và Vụ Chính sách thuế  thì có 28 nội dung đề nghị được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

 

 

Khi quyết toán, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công thực tế XK đã được miễn thuế khi làm thủ tục hải quan và trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK đã được miễn thuế tương ứng với sản phẩm gia công không XK”.

Đối với Khoản 4 Điều 10 sửa đổi, bổ sung như sau: “4. Phế liệu, phế phẩm trong định mức thực tế và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực tế NK theo hợp đồng gia công được miễn thuế NK khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan đối với số phế liệu trong định mức thực tế khi tiêu thụ nội địa theo mẫu số… đính kèm Nghị định này”.

Phế phẩm khi tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp thuế NK, thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện được sản xuất ra phế phẩm đó theo mẫu số… đính kèm Nghị định này. Trường hợp, phế phẩm bị tiêu hủy được miễn thuế nhưng sau khi tiêu hủy thu được sản phẩm mới sau đó XK phải kê khai nộp thuế XK.

Nguyên liệu, vật tư, linh kiện dư thừa khi tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp thuế theo quy định. Người khai hải quan phải đăng ký tờ khai hải quan mới tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng, kê khai và tính thuế NK theo mức thuế suất thuế NK của nguyên liệu, vật tư, linh kiện và trị giá tính thuế được xác định theo giá thực tế mua bán tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật hải quan.

Những nội dung sửa đổi trên xuất phát từ kiến nghị của Tổng cục Hải quan, các nội dung sửa đổi này đã được lấy ý kiến hải quan các tỉnh, thành phố.

Nguồn: baohaiquan.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC