Các nội dung về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK tại Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC sẽ được tách, quy định cụ thể tại một thông tư riêng, do Bộ Tài chính ban hành, dự kiến có hiệu lực đồng thời với Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Những điểm mới tại Thông tư xác định xuất xứ hàng hóa XNK do Bộ Tài chính ban hành đã được Tổng cục Hải quan phổ biến tới cộng đồng DN tại một hội nghị mới đây.
Thông tư xác định xuất xứ hàng hóa bao gồm 25 Điều; quy định tại 5 chương, gồm: Quy định chung; hồ sơ xác định trước xuất xứ, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa XK; Kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa NK; điều khoản thi hành.
Một số nội dung chính tại thông tư quy định về trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; cách thức khai báo khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa XK, NK.
Cụ thể, thông tư quy định trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm: Hàng hóa áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt. Hàng hóa thuộc diện quản lý NK. Hàng hóa đang được thông báo nghi ngờ NK từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hàng hóa thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chưc quốc tế thông báo đang ở trong thời diểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.
Hàng hóa NK từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.
Cùng với đó, thông tư cũng quy định các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm: Hàng hóa NK không thuộc đối tượng quy định ở trên; hàng hóa XK; hàng hóa NK có trị giá không vượt quá trị giá quy định về miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng người khai hải quan đề nghị được nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan vẫn tiếp nhận và kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định.
Liên quan đến thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, thông tư quy định đối với C/O mẫu EAV, thời điểm nộp là tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan đối với tờ khai hải quan giấy; tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan điện tử.
Đối với C/O mẫu VK, KV, thời điểm nộp đối với tờ khai hải quan giấy là tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; đối với tờ khai hải quan điện tử là tại thời điểm nộp hồ sơ hải quan. Trường hợp không có bản chính C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan nộp C/O trong vòng 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ khác thì thời điểm nộp đối với tờ khai hải quan giấy là tại thời điểm đăng ký tờ khải hải quan; đối với tờ khai hải quan điện tử, tại thời điểm nộp hồ sơ hải quan. Trường hợp không có bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Đối với hàng hóa thuộc diện quản lý NK, vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc hạn chế số lượng thì thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là tại thời điểm đăng ký tờ khai đối với tờ khai hải quan giấy; và tại thời điểm nộp hồ sơ hải quan đối với tờ khai hải quan điện tử.
Ngoài ra, tại thông tư quy định về trường hợp ngoại lệ được khai bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa dù trước đó không khai chậm nộp.
Thông tư cũng có nhiều quy định liên quan đến kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa XK, NK; tiêu chí khai báo trên C/O không ưu đãi; các trường hợp khác biệt nhỏ trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không thay đổi xuất xứ; hàng hóa chuyển đổi mục đích sử dụng; đăng ký nhiều tờ khai với nhiều loại hình khác nhau; trừ lùi C/O; chứng từ chứng minh vận tải trực tiếp.
Cùng với đó, các trường hợp không nộp hoặc bị từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ vì không hợp lệ; thời hạn xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ cũng được quy định cụ thể tại thông tư này.