Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP được nghiên cứu kỳ công và kỳ vọng sẽ có nhiều cải cách thủ tục hành chính, đồng thời củng cố cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý hải quan, tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Xin ông cho biết, điểm mới của Nghị định này là gì?
Trên thực tế, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2015 đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã có những vướng mắc nhất định cần được giải quyết để đảm bảo công tác cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi cho hoạt động của DN, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính vì vậy, Nghị định sửa đổi lần này điều chỉnh các quy định liên quan đến số nhóm vấn đề cơ bản như: Nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển; nhóm vấn đề về kiểm tra, xác định trị giá hải quan; nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; nhóm vấn đề công tác chống buôn lậu và một số thủ tục hải quan liên quan đến các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác, về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính... nhằm đảm bảo công tác quản lý về hải quan, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và minh bạch trong quá trình thực hiện.
Chẳng hạn như quy định về thủ tục hải quan hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý, phân định rõ ràng giữa hàng hóa cảnh và hàng trung chuyển. Tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP trước đây quy định hàng trung chuyển vào tại một cảng và chỉ được đưa ra từ cảng đó; Nghị định 08/2015/NĐ-CP cũng chưa phân định rõ ràng giữa hàng quá cảnh và hàng trung chuyển, dẫn đến phát sinh việc các đối tượng bị điều chỉnh thực hiện không thống nhất, trong khi đây là các hoạt động đã được Luật Thương mại cho phép và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần được tạo thuận lợi cho hoạt động logistic phát triển. Đặc biệt, tại hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế. Cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực.
Chính vì vậy, đây là nội dung quan trọng được sửa đổi trong Nghị định lần này, thủ tục hải quan đối với hàng trung chuyển, hàng quá cảnh được phân định rõ; tương ứng công tác giám sát hải quan, chính sách quản lý cũng được quy định cụ thể đồng thời cho phép hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các cảng biển loại I.
Không những thế, Nghị định lần này còn đưa ra các quy định nhằm tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan trong các giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển.
Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP cũng củng cố cơ sở pháp lý về thống kê hải quan, về thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai... để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo Nghị định mới, vấn đề trị giá hải quan đã được sửa đổi như thế nào để khắc phục vướng mắc hiện nay?
Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến trị giá hải quan như: Về phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK; khái niệm về cửa khẩu xuất; về kiểm tra, xác định trị giá hải quan.
Tại Điều 86 Luật Hải quan và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP chưa quy định phương pháp xác định trị giá hải quan cho trường hợp không xác định được trị giá hải quan theo hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại (bao gồm cả trường hợp chi phí liên quan đến hàng hóa XK tính đến cửa khẩu xuất chưa thể hiện trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại). Do đó, Nghị định mới đã bổ sung thêm 3 phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK, theo hướng sử dụng trị giá của hàng hóa giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; giá bán hàng hóa giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam; giá bán hàng hóa XK do cơ quan Hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xác định trị giá hải quan hàng XK mà không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Cũng liên quan đến vấn đề trị giá hải quan, khái niệm cửa khẩu xuất đã được làm rõ, qua đó đã khắc phục vướng mắc liên trước đây do không quy định thế nào là cửa khẩu xuất dẫn đến không xác định được các khoản chi phí liên quan khi xác định trị giá hải quan hàng XK.
Vấn đề kiểm tra, xác định trị giá hải quan cũng được sửa đổi tạo thuận lợi cho DN thông quan việc thủ tục, quy trình thực hiện kiểm tra trị giá được thực hiện thống nhất tại khâu thông quan; đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho người khai hải quan trong khai báo, xác định trị giá, tham vấn; khắc phục tình trạng kiểm tra trùng lắp, chồng chéo, vừa tham vấn, vừa thực hiện kiểm tra sau thông quan; tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Cùng với việc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, một trong những vấn đề được quy định tại Nghị định là củng cố cơ sở pháp lý để cơ quan Hải quan thực các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Tại Điều 101 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo cách chỉ nêu tên các biện pháp, chưa có quy định cụ thể về các nội dung đảm bảo thực thi trên thực tế như: thẩm quyền, nội dung, trình tự, cách thức tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Chính vì vậy, tại Nghị định đã bổ sung thêm quy định: Giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Việc bổ sung quy định trên tạo cơ sở pháp lý để Bộ Tài chính quy định cụ thể thẩm quyền, nội dung các biện pháp, trình tự, thủ tục và cách thức tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan thuộc các biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, đảm bảo áp dụng đúng quy định và thống nhất trong lực lượng hải quan.
Đồng thời, quy định cụ thể về các loại phương tiện cơ quan Hải quan được trang bị trên các tuyến đường để thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các trường hợp phương tiện của cơ quan Hải quan đi làm nhiệm vụ khẩn cấp trên tuyến đường bộ được quyền ưu tiên.
Để Nghị định sớm đi vào cuộc sống, Tổng cục Hải quan sẽ có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến người dân và DN như thế nào?
Để triển khai hiệu quả Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, rõ ràng cần sự quan tâm, chủ động của không chỉ cơ quan Hải quan các cấp mà ngay cả đối với cả cộng đồng DN. Song song Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/TT-BTC, Tổng cục Hải quan cũng trình Bộ Tài chính Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi, theo đó, để những quy định tại các văn bản này kịp thời đi vào cuộc sống, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho cộng đồng DN và cả cơ quan Hải quan tại cả ba khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Quá trình thực hiện, Tổng cục Hải quan sẽ nắm bắt và giải quyết vướng mắc phát sinh, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động XNK của DN.
Bên cạnh đó, các đơn vị, nhất là các đơn vị hải quan địa phương cần tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến nghị định, nhất là các nội dụng, quy định mới để CBCC thừa hành và cộng đồng DN kịp thời nắm bắt. Đối với cộng đồng DN, cần có cần chủ động nghiên cứu, hiệu rõ quy định mới để thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
|