Lo cước vận chuyển không giảm
Theo tính toán của Bộ KH&ĐT mới đây, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% sẽ giúp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp giảm khoảng 0,57%, CPI giảm được 0,55% và GDP sẽ tăng được 0,91%. Theo các chuyên gia, với mức giảm giá xăng dầu trong nước được gần 30% như trong gần 4 tháng qua, tác động đối với nền kinh tế sẽ tương đối tốt nếu giá cả các mặt hàng cũng như cước vận tải giảm tương ứng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu khi giảm giá mạnh sẽ kéo theo các mặt hàng khác giảm theo. Tuy nhiên, thực tế việc giá cước vận tải cũng như các mặt hàng khác có giảm theo hay không lại là chuyện khác. Nếu giảm được sẽ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế. “Việc giá cước vận tải và nhiều mặt hàng khác không giảm giá theo giá xăng dầu thể hiện sự bất lực trong quản lý của cơ quan chức năng. Trong đó, sự can thiệp của cơ quan nhà nước dường như đang thiếu công cụ để thực hiện một cách hiệu quả”, ông Ánh cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng cơ khí ở Hải Dương cho biết, từ giữa năm ngoái đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm khoảng 30% giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm khoảng 4%.
Nặng gánh thuế, phí
Theo thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu, với mức giá cơ sở hiện nay, mỗi lít xăng đang phải gánh tới 50% thuế, phí và các khoản đóng góp khác. Thống kê của Bộ Công Thương và một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn cho thấy, mỗi lít xăng, dầu đang chịu rất nhiều các khoản thuế, phí khác nhau như: 20% thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng (mức thuế nhập khẩu với dầu diesel là 10%, dầu hỏa là 13% và dầu madút là 10%), 10% thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, một lít xăng bán ra còn phải cộng thêm các khoản khác như: 1.050 đồng/lít tiền chi phí định mức cho doanh nghiệp (dầu diesel và dầu hỏa 950 đồng và dầu madút 600 đồng/kg), 300 đồng lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp, 300 đồng tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cộng tất cả các khoản trên, giá xăng A92 trong nước chỉ ở mức 9.500 đồng/lít, xăng A95 có giá 10.136 đồng/lít, dầu diesel loại 0,5S có giá 7.209 đồng/lít, dầu hỏa 7.790 đồng/lít. Sau khi cộng thêm 3.000 đồng/lít tiền thuế bảo vệ môi trường và 10% thuế giá trị gia tăng, giá xăng A92 nhảy lên mức 13.750 đồng/lít, xăng A95 có giá 14.450 đồng/lít.
Mới đây, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc các cơ quan quản lý cho phép giữ nguyên mức chi phí định mức và duy trì lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (trong bối cảnh giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh) đã giúp cho các doanh nghiệp xăng dầu đạt được lợi nhuận khá cao trong khi giá giảm. Cùng đó, việc cho duy trì chi phí và lãi định mức cao cùng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng giúp ngân sách tăng thu được thuế VAT tính trên tổng giá cơ sở.
Tuần tới sẽ thanh kiểm tra giá cước
Chiều 18/2, bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh, Phó Ban Vật giá (Sở Tài chính TPHCM) cho biết: “Ngay sau lần giảm giá xăng dầu trước Tết Nguyên đán ngày 3/2, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô kê khai lại giá cước phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải phải nộp bản kê khai lại muộn nhất vào ngày 19/2”.
Bà Quỳnh cho biết thêm, sơ bộ tính đến trưa 18/2, trên địa bàn TPHCM đã có 16 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trên tổng 49 doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý đã kê khai với mức giảm trung bình 3-5%, có trường hợp cá biệt giảm đến 7,14%. Có 9/14 hãng taxi đã nộp bản kê khai lại giá cước, nhưng chỉ có 3 hãng giảm với mức giảm 1,16-2,4% và có 6 hãng giữ nguyên. “sau ngày 19/2, chúng tôi sẽ tổng hợp danh sách để tổ chức các đoàn thanh tra vào thứ hai tuần tới”, bà Quỳnh nói.
Liên quan việc giảm giá xăng dầu mới nhất chiều 18/2, đại diện ngành vật giá TPHCM cho biết, vừa có văn bản yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai lại. Theo đó, muộn nhất ngày 23/2, các doanh nghiệp phải gửi kê khai lại với Sở Tài chính (Ban Vật giá). “Theo tính toán, các xe chạy dầu tuyến cố định phải giảm giá cước 4,8% sau các đợt giảm gần đây, còn xe sử dụng nhiên liệu xăng tính cả mức giảm giá ngày 18/2, giá cước phải giảm khoảng 4,2%”, bà Quỳnh cho biết.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), sau đợt giảm giá này, sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn.
(Nguồn:tienphong.vn)