Tin tức
Đề xuất Giảm thuế thu nhập: Liều thuốc trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Cập nhật: 23/05/2020
Lượt xem: 2609

Khối DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định là nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam trong thời gian tới, tuy nhiên đây cũng lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nhằm “tăng lực” cho nhóm này, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một số chính sách về thuế thu nhập.    

de xuat giam thue thu nhap lieu thuoc tro luc cho doanh nghiep nho va sieu nho
Việc giảm thuế trực tiếp làm tăng khả năng tích tụ nguồn vốn trong DN nhằm sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Phương

Giảm 3%-5% thuế suất

Thống kê đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN và trong số này, DN có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 65%, DN quy mô nhỏ chiếm gần 31% và DN quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam. Với tỷ lệ lớn như vậy, các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Tuy nhiên các DN này lại rất dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, thậm chí, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Trao đổi với một vài DN nhỏ vào thời điểm “tái khởi động” sau dịch Covid-19 mới thấy họ thực sự cần trợ lực. Thành lập được hơn 1 năm, Công ty TNHH IzyViet chuyên về các dịch vụ du lịch đang trên đà gây dựng thị trường thì gặp phải dịch bệnh, mọi hoạt động bị đình trệ. Chị Trần Bích Diệp – Giám đốc điều hành của DN này cho biết: Việc giãn cách xã hội, tạm ngưng các đường bay quốc tế khiến Công ty có hoạt động cũng như không bởi không có khách hàng. Lúc này, với một DN non trẻ, vốn mỏng, các khoản kinh phí từ thuê mặt bằng, trả lương nhân công, duy trì hoạt động đều trở thành gánh nặng.

Hiểu được điều này, trong những thời điểm khó khăn nhất định, trước tác động, ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng DN thuộc nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tại Luật thuế Thu nhập DN (TNDN) sửa đổi cũng đã xác định DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất (20%) thấp hơn mức thuế suất phổ thông (25%, 22%) trong giai đoạn 2013 – 2015. Giai đoạn 2016-2020, tất cả DN đều được áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.

Mặc dù đã có kế hoạch đưa nội dung ưu đãi về thuế TNDN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ khi thực hiện dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi), trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, nhưng trước diễn biễn phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Dự án nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thực hiện theo trình tự rút gọn, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Hiện tại, để tiếp tục khuyến khích phát triển DN theo chủ trương của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ để trình Chính phủ. Trong đó, đề xuất DN nhỏ và DN siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%, giảm 3% - 5% so với mức thuế suất phổ thông. Các mức thuế suất này đảm bảo sự khuyến khích, hỗ trợ tương đương với mức thuế suất ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN đang áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và có mức độ khuyến khích cao hơn mức thuế suất đã áp dụng trong giai đoạn 2013-2015.

Bình luận về đề xuất nói trên, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Giảm thuế sẽ giúp DN lớn lên. Việc giảm thuế trực tiếp làm tăng khả năng tích tụ nguồn vốn trong DN nhằm sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, việc giảm gánh nặng thuế làm tăng cơ hội gia tăng lợi nhuận, kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào DN để sản xuất, kinh doanh, tận dụng tối đa nguồn tiền trong dân, giúp tăng số DN thành lập mới, giảm số DN bị đào thải khỏi thị trường. Việc giảm thuế sẽ gián tiếp thúc đẩy các DN làm ăn chân chính, thực hiện đúng hơn các quy định pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hoạt động trốn thuế, lách thuế như hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp…

Giảm thu 15.500 tỷ đồng

Không chỉ ưu đãi về thuế suất, tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất cách tính thuế đơn giản. Theo đó, các DN này kê khai nộp thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu trong trường hợp không xác định thu nhập. Cụ thể, DN siêu nhỏ (có doanh thu hàng năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người) được áp dụng mức thuế suất 15%. So với việc áp dụng mức thuế suất phổ thông như hiện nay là 20% thì mức đề xuất mới này tương ứng với tỷ lệ áp dụng thuế suất ưu đãi bằng 0,75 thuế suất hiện hành (15%/20%).

Trên cơ sở phân loại lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh để thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với hộ kinh doanh đang được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế, mức đề xuất được đưa ra có tính đến mức độ khuyến khích để các hộ kinh doanh thấy được chủ trương ưu đãi của Nhà nước để chuyển đổi lên DN. Chính phủ đề xuất quy định tỷ lệ % doanh thu theo ngành nghề hoạt động tương đương với mức 0,75 lần mức thuế suất đang áp dụng, tức là 0,4% đối với ngành phân phối, cung cấp hàng hóa; 1,2% đối với sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu; 1,5% với dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu; 0,8% với hoạt động kinh doanh khác.

Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, những giải pháp về thuế đề xuất nêu trên sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Tính toán sơ bộ, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu NSNN khoảng 15.500 tỷ đồng/năm, trong đó, giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.900 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 12.600 tỷ đồng/năm. Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng theo Bộ Tài chính, về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.

Tiêu chí xác định đối tượng hưởng ưu đãi, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng đối với DN nhỏ và DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh; DN có tổng doanh thu hàng năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).
Nguồn: haiquanonline.com.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC