Tin tức
Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA
Cập nhật: 08/06/2020
Lượt xem: 2588

Với 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành (457/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết), tại phiên họp sáng nay 8/6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

quoc hoi chinh thuc phe chuan hiep dinh evfta
100% đại biểu Quốc gội tham gia biểu quyết tán thành phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Trước khi biểu quyết, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc.

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng. Người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.

Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội khuyến nghị những vấn đề lớn dưới đây: Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai Hiệp định; tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này; trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19; đồng thời tận dụng tốt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập và quản trị hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống; nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.

Cung cấp đầy đủ, kịp thời bộ tài liệu Hiệp định, các tài liệu hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền. Các tài liệu hướng dẫn Hiệp định cần thể hiện bằng ngôn ngữ phù hợp để dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ nhớ.

Tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thường xuyên tổ chức rà soát và kiểm tra công tác triển khai thực hiện Hiệp định trên thực tế.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến khuyến nghị đầy tâm huyết, rất xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, bổ sung vào Kế hoạch triển khai Hiệp định”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Ngoài các nội dung trên, một số ý kiến đề nghị bên cạnh việc tuân thủ và nội luật hóa các cam kết để bảo đảm lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về dịch vụ công để chủ động khai thác các lợi thế, thời cơ và ứng phó với các thách thức mà Hiệp định mang lại.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai hiệu quả Hiệp định, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhâp khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhâp khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).
Nguồn: haiquanonline.com.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC