(HQ Online)- Ngày 21-12, tại Hội nghị giới thiệu Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK để triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu do Cục Hải quan TP.HCM tổ chức, các doanh nghiệp rất đồng tình và phấn khởi khi kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu.
40% hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, hội nghị này có sự hiện diện của cả ba bên cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành và doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp để thực hiện đề án nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành một cách thuận lợi và hiệu quả, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Theo Phó Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng, các bên cùng nhau thống nhất đối với mặt hàng nào có thể lấy mẫu, kiểm tra chuyên ngành, cấp chứng thư ngay tại cửa khẩu thì phải thực hiện để có thể giải phóng hàng hóa ngay. Cơ quan Hải quan sẽ là đơn vị kết nối giữa đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ một cách thuận lợi nhất cho việc lấy mẫu, thực hiện giám định, thông quan hàng hóa…
Trước khi diễn ra hội nghị này, Cục Hải quan TP.HCM đã làm việc với các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và doanh nghiệp kinh doanh cảng để thống nhất các giải pháp thực hiện. Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị. Trong đó cơ quan Hải quan là đơn vị chủ trì, đôn đốc thực hiện.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện 40% hàng nhập khẩu qua các cửa khẩu TP.HCM phải kiểm tra chuyên ngành. Hiện có 20 cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoạt động tại TP.HCM. Phần lớn hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành được cơ quan Hải quan giải quyết cho doanh nghiệp mang về kho bảo quản, lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp. Thời gian trung bình thông quan hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, ngắn nhất là từ 1 đến 10 ngày, trung bình từ trên 10 ngày đến 30 ngày và dài nhất là trên 30 ngày.
Trước mắt đã có 6 cơ quan kiểm tra chuyên ngành đăng kí địa điểm làm việc tại cửa khẩu cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất, gồm: Viện Y tế Công cộng TP.HCM; Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3; Công ty Vinacontrol TP.HCM; Trung tâm Thú y vùng 6; Trung tâm kiểm dịch thực vật vùng 2 và Trung tâm kiểm nghiệm và kiểm định động vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.
DN đồng thuận
Tại hội nghị, Cục Hải quan TP.HCM đã dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp đối thoại với các cơ quan quản lý chuyên ngành. Các doanh nghiệp cho rằng, đúng như nhận định của cơ quan Hải quan, việc kiểm tra chuyên ngành đang gây nhiều rào cản đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp. Việc cơ quan Hải quan chủ động tổ chức hội nghị, triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cửa khẩu sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc thực hiện kiểm tra chuyên tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, các doanh nghiệp đồng thuận cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay ngành Hải quan đã áp dụng quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp XNK, vậy các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng nên áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trên thực tế, theo số liệu của Cục Hải quan TP.HCM số tờ khai vi phạm về quản lý chuyên ngành rất ít, chiếm 0,0338% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra.
Tại hội nghị, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cũng đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành thực tế. Ông Mai Văn Sủng, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho biết, đơn vị đã triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại Cát Lái từ tháng 6-2015.
Tại đây, Trung tâm 3 đã bố trí các bộ phận lấy mẫu, thu ngân, trả kết kết quả giám định ngay tại cảng. Còn các cảng khác thì bố trí 2-3 giám định viên hoạt động hàng ngày tại cảng. Việc lấy mẫu tại cảng rất khó khăn, bởi có những mặt hàng không thể thực hiện được. Ví dụ, như mặt hàng sắt, thép phải cắt bằng gió đá, máy… nhưng cả 2 loại này đều không thực hiện được ở cảng do an toàn cháy nổ. Thuốc bảo vệ thực vật, phế liệu không thể thực hiện được tại cảng, bởi rủi ro rất cao khi có sơ suất trong việc vỡ dụng cụ chứa đựng mỗi một loại hàng hóa khác nhau thì quy trình lấy mẫu khác nhau.
Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cho biết, hiện nay mặt hàng nào lấy mẫu được ở cảng, cơ quan kiểm tra chuyên ngành đều vận động doanh nghiệp cho lấy mẫu hàng ngay tại cảng, vừa thuận lợi cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành vừa thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa. Mặt hàng dệt may, phụ gia, rượu bia, bao bì thực phẩm… lấy mẫu và xử lý ngay tại cảng.
Theo phản ánh của một số cơ quan kiểm tra chuyên ngành, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp không muốn lấy mẫu tại cảng do chi phí bốc xếp, điều kiện không đảm bảo cho việc lấy mẫu lo sợ ảnh hưởng đến thương phẩm hàng hóa.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, do việc lấy mẫu hàng tại cảng có liên quan đến phát sinh chi phí bốc xếp, bố trí mặt bằng… Với những băn khăn này, Phó cục trưởng Đinh Ngọc Thắng cam kết sẽ làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh cảng để hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất trong việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan Hải quan cũng chia sẻ, giải đáp một số vướng mắc của doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành, đồng thời ghi nhận một số kiến nghị của doanh nghiệp về áp dụng miễn kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro.
(Nguồn:HQ Online-baohaiquan.vn)