Theo Tổng cục Hải quan, để phân loại chính xác mặt hàng này cần căn cứ Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm và Thông tư 103/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần căn cứ Quy tắc 2 của 6 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức hải quan Thế giới và Chú giải quy tắc 2 (a).
Theo đó, Cục Hải quan Hải Phòng cần căn cứ hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế, xác định bản chất, mức độ gia công của hàng hóa sau khi NK để xác định mã số theo đúng nguyên tắc phân loại tại Thông tư 14/2015/TT-BTC, đảm bảo áp dụng đúng quy tắc 2 và Chú giải quy tắc 2 (a).
Cụ thể, trường hợp hàng hóa NK không thỏa mãn Chú giải quy tắc 2 (a) về khái niệm “hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời ” (vẫn phải qua các công đoạn gia công tiếp theo, có kết hợp với nguyên vật liệu sản xuất trong nước để sản xuất bộ điều khiển tốc độ và hoạt động của ô tô, xe máy hoàn chỉnh) thì phân loại theo chất liệu cấu thành hoặc theo mã số quy định cho mặt hàng đó tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và Biểu thuế NK ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.
Trường hợp chỉ NK linh kiện thông thường để lắp ráp đơn giản (không phải gia công tiếp, không kết hợp với nguyên vật liệu sản xuất trong nước) tạo thành bộ điều khiển tốc độ và hoạt động của ô tô, xe máy hoàn chỉnh thì phân loại theo phụ tùng của ô tô, xe máy tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và Biểu thuế NK ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.