Tin tức
Thủ tướng: Xuất khẩu đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Cập nhật: 23/04/2018
Lượt xem: 1800

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, để XK hàng hóa bền vững, một trong những điểm mấu chốt là phải nghiên cứu kỹ, bám sát nhu cầu thị trường, “bán cái thị trường cần chứ không phải cái mình có”, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Dũng.

Liên kết tốt với khối FDI

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy XK diễn ra tại Hà Nội sáng 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Năm qua, lần đầu tiên XK hàng hóa đạt trên 200 tỷ USD, trong đó có những ngành hàng có kim ngạch lớn như: Điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp…

Việt Nam gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đây là điều quan trọng để nước ta không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. 

Riêng về thủ tục XNK, Thủ tướng khẳng định đã tốt hơn, từ thủ tục đầu tư đến hải quan, cảng biển, kiểm dịch…  “Tuy chỗ này chỗ kia vẫn có vấn đề này vấn đề kia nhưng so với những năm trước đây, cải cách thủ tục về XNK đã tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, các thủ tục có tiến bộ nhưng cả hệ thống chưa hẳn làm tốt để phục vụ XK. Ngoài ra, khó khăn thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực. Nguy cơ cuộc chiến thương mại có thể diễn ra. Cùng với đó, xu hướng bảo hộ đang nổi dậy, nhất là những tháng đầu năm nay, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong XK.

Về vấn đề nâng cao giá trị gia tăng, định hướng để đảm bảo XK bền vững thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Công việc ngay trước mắt là hỗ trợ DN Việt tạo liên kết với khu vực FDI, tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. “Chúng ta trên 70% XK dựa vào khu vực FDI nên nếu liên kết được thì Việt Nam sẽ dần tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng trong XK. Đây là bài toán rất khó mà ngành Công Thương cùng các bộ, ngành phải tính toán, nghiên cứu để đưa ra giải pháp cụ thể”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng: “Điểm quan trọng còn là các bộ, ngành cần quan tâm, loại bỏ “điểm nghẽn” trong XK, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tôi đề nghị các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong thuế, phí, hải quan, chi phí sản xuât kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống logistics hậu cần hiện đại với mức chi phí rẻ hơn”.

Bám sát tín hiệu thị trường 

Theo Thủ tướng, hiện nay với nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm, tiêu chuẩn, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật của các nước ngày càng khắt khe hơn. Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào để có nền nông nghiệp sạch thì khó XK. 

Mặt khác, tính cạnh tranh hàng XK ngày càng gay gắt. Trong khi, một bộ phận người dân, DN sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng chưa đồng đều. Một số sản phẩm trước tốt, sau xấu, thậm chí có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, riêng với sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT và các địa phương phải bám sát tín hiệu thị trường, triển khai thực sự tái cơ cấu ngành theo hướng thúc đẩy XK, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của thị trường NK...

Thủ tướng cũng yêu cầu việc tìm kiếm, chinh phục thị trường XK nói chung phải được tiến hành bài bản, hiệu quả hơn, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Điều này được thực hiện thông qua việc thực hiện tốt các cam kết quốc tế; tăng biện pháp tháo gỡ rào cản, điều kiện cho hàng hóa XK; giải quyết các vấn đề phát sinh như chống trợ cấp, chống bán phá giá…

“Chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm các thị tường XK khác còn tiềm năng ngoài các thị trường đã ký kết FTA; thay đổi căn bản công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa XK, không để tư tưởng nhiệm kỳ trong tham tán thương mại”, Thủ tướng nói. 

Một trong những điểm được Thủ tướng nhấn mạnh còn là, ngoài tập trung XK trực tiếp, hàng hóa Việt Nam cần xâm nhập vào kênh phân phối của tập đoàn bán lẻ toàn cầu. Muốn vậy, DN và sản phẩm Việt phải nỗ lực để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng tham gia các kênh phân phối của các tập đoàn này.
 

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Trong quý I, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD, tăng 23,2%. Về mặt hàng, đóng góp chủ lực vào XK quý đầu năm là những “gương mặt” quen thuộc như: Điện thoại và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD, tăng 58,8%; hàng dệt may đạt 6,3 tỷ USD, tăng 12,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 22,3%; giày dép đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,9%; thủy sản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,2%; rau quả đạt 950 triệu USD, tăng 35,6%...
Nguồn: baohaiquan.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC