Tin tức
Thủ tướng phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính,quản lý nhập khẩu ngành in
Cập nhật: 23/01/2016
Lượt xem: 2642
Các thủ tục được đơn giản hóa gồm: cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in; cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; cấp giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; cấp giấy phép hoạt động in; thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; thủ tục chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; cùng một số các quy định khác có liên quan
Thủ tướng phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính,quản lý nhập khẩu ngành in

Thủ tướng yêu cầu tất cả các thủ tục này đều phải bổ sung cách thức nộp hồ sơ qua hệ thống internet, nhằm tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời khi nộp hồ sơ làm thủ tục, doanh nghiệp được quyền nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu, chứ không nhất thiết phải là bản sao có chứng thực.

Quyết định cũng chỉ rõ phương án cắt giảm, đơn giản hóa hàng loạt thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai.

Các phương án này khi được thực thi sẽ giải quyết hàng loạt vướng mắc rất lớn mà các doanh nghiệp trong ngành in đang gặp phải khi thi hành Luật Xuất bản năm 2012, Nghị định số 60 năm 2014 quy định về hoạt động in và các Thông tư hướng dẫn của Bộ TTTT. Từng điều khoản đang gây vướng mắc trong Luật Xuất bản, Nghị định 60 và các Thông tư cũng được chỉ rõ.

Chẳng hạn, về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in, Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ yêu cầu nộp catalogue của từng loại thiết bị in. Lý do là không phải thiết bị in nào cũng có catalogue trước khi nhập khẩu, những thiết bị mới sản xuất và đưa ra thị trường, chưa có catalogue hoặc có những thiết bị đặc thù catalogue đi kèm thiết bị, chỉ khi nhập về mới có catalogue. Hơn nữa những thông số trong catalogue cũng đã được thể hiện đầy đủ trong đơn đề nghị cấp giấy phép.

Cùng với đó là bỏ nội dung “số serial máy” trong mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in, vì số serial là thông số thường được in/dập trên thiết bị. Đối với thiết bị mới, nhập nguyên thùng, khi nhập thiết bị về mới cung cấp được số serial cho cơ quan quản lý, chỉ có những máy cũ mới có sẵn số serial để khai báo trước khi nhập.

Cũng liên quan đến thủ tục này, Thủ tướng yêu cầu bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in đối với máy dao xén giấy (trừ máy dao 3 mặt).

“Việc quản lý nhập khẩu tất cả thiết bị in không tạo sự phát triển cho ngành in. Cần quản lý chặt chẽ thiết bị in và đặc biệt là thiết bị in kỹ thuật số công nghiệp. Tuy nhiên, đối với những thiết bị gia công sau in như máy dao xén giấy thì không cần thiết phải thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu, do đây là những thiết bị chỉ thực hiện vai trò phụ trợ trong quá trình in, không gây nguy hại, ảnh hưởng đến lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, có thể thay thế bằng hình thức thông báo và quản lý theo cơ chế hậu kiểm”, Quyết định của Thủ tướng chỉ rõ.

Bãi bỏ thủ tục không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý

Đối với thủ tục cấp giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài, Luật Xuất bản năm 2012 yêu cầu hồ sơ phải có bản sao chứng thực hợp đồng in gia công xuất bản phẩm. Điều này đang làm khó doanh nghiệp, bởi nhiều doanh nghiệp thực hiện qua email, đấu thầu trực tuyến nên sẽ không biết có được ký kết hợp đồng hay không để làm thủ tục cấp phép. Ngược lại, cơ sở in chưa làm thủ tục cấp phép lại không biết có được thực hiện hoạt động này hay không để ký hợp đồng với khách hàng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu nếu cơ sở in chưa có hợp đồng thì có thể thay bằng thư mời thầu hoặc giấy tờ có liên quan.

Với thủ tục cấp phép hoạt động in, Thủ tướng cũng yêu cầu bãi bỏ hoặc sửa đổi hàng loạt nội dung bất cập. Ví dụ, bãi bỏ yêu cầu về “giấy tờ thể hiện việc đáp ứng đủ điều kiện về bảo vệ môi trường’, vì hiện Bộ TNMT đến nay vẫn chưa ban hành đầy đủ hướng dẫn cụ thể về loại giấy tờ này.

Đồng thời, khi xin cấp phép hoạt động in, người đứng đầu cơ sở in cũng không phải nộp ngay “bản sao bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành in trở lên hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”. Thay vào đó, chỉ cần cam kết và đáp ứng điều kiện này trong vòng 6 tháng kể từ ngày được cấp phép.

Thủ tục đăng ký sử dụng, chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu cũng đơn giản hơn. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu thay thế thủ tục chuyển nhượng các loại máy này bằng việc bên chuyển nhượng thông báo cho Sở TTTT là xong. “Thủ tục này không cần thiết, vì chuyển nhượng tài sản là quyền của mỗi doanh nghiệp… Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý về hoạt động của máy chứ không có thẩm quyền chấp thuận hay không chấp thuận việc chuyển nhượng thiết bị”, Quyết định của Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an xem xét bỏ quy định về “sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận in” theo quy định tại Thông tư 33 năm 2010 của Bộ này. Lý do là Bộ Công an không có thẩm quyền quản lý chuyên ngành in, mà chỉ quản lý an ninh – trật tự trong hoạt động in. Nghị định 72 năm 2009 của Chính phủ cũng không giao cho Bộ Công an quy định việc lập và quản lý loại sổ này.

Thủ tướng giao Bộ TTTT và các cơ quan liên quan chủ động, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng có quy định về các thủ tục nói trên.

Hà Chính(chinhphu.vn)

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC