Thủ tục nhập khẩu xe máy mới
Tôi muốn mua 1 chiếc xe máy mới về Việt Nam phân khối 150cc,cần làm thủ tục như thế nào? Thuế cước cần đóng để nhập khẩu về Việt Nam (nếu có) thì bao nhiêu?
Thủ tục cấp giấy phép, thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, gắn máy được quy định cụ thể tại Điều 4, Điều 5 Thông tư 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/2015 của Bộ Tài chính.
- Căn cứ vào Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại áp dụng mức thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
- Căn cứ vào Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa năm 2007 của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (HS 2007).
- Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, thì mặt hàng:
+ Xe gắn máy như công ty mô tả có thể tham khảo phân loại vào mã số HS nhóm 8711, tùy theo tính năng sử dụng và dung tích xilanh của xe nhập khẩu mà có mã số HS chi tiết phù hợp, thuế suất thuế NK ưu đãi: 75%, thuế GTGT: 10%.
Ngoài ra, đối với Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3 có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là: 20%
- Việc xác định trị giá hải quan (trị giá tính thuế) đối với hàng hoá nhập khẩu được quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, theo đó:
1. Nguyên tắc: Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Phương pháp xác định: Giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá hải quan. Các phương pháp xác định trị giá hải quan bao gồm:
a) Phương pháp trị giá giao dịch;
b) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt;
c) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự;
d) Phương pháp trị giá khấu trừ;
đ) Phương pháp trị giá tính toán;
e) Phương pháp suy luận.
Trường hợp người khai hải quan đề nghị bằng văn bản thì trình tự áp dụng phương pháp trị giá khấu trừ và phương pháp trị giá tính toán có thể hoán đổi cho nhau.
- Trị giá Hải quan (trị giá tính thuế) của hàng hoá nhập khẩu trước hết phải được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch quy định tại Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, theo đó:
1. Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.
2. Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu. Bao gồm các khoản sau đây:
a) Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;
b) Các khoản điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này;
c) Các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:
c.1) Tiền trả trước, tiền ứng trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận tải, bảo hiểm hàng hóa;
c.2) Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán (ví dụ như: khoản tiền mà người mua trả cho người thứ ba theo yêu cầu của người bán; khoản tiền được thanh toán bằng cách cấn trừ nợ).
- Công thức tính thuế nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm như sau:
Thuế NK = Trị giá tính thuế x Thuế suất thuế NK
Thuế GTGT = (Trị giá tính thuế + Thuế NK) x Thuế suất thuế GTGT
Bạn đọc có thể tham khảo Mục 4 Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính để biết căn cứ và phương pháp tính thuế hàng hóa nhập khẩu.
(Nguồn:dncustoms.gov.vn)