1. Trường hợp Công ty nhập khẩu Chất tẩy rửa (không phải là Nước rửa tay) thuộc dạng hoá chất thì đề nghị Công ty thực hiện như sau:
Căn cứ Chương 2 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định về Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ ... theo đó trường hợp Công ty xuất khẩu hàng hóa, nếu thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu thì không được làm thủ tục hải quan, nếu mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương thì Công ty phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Công Thương trước khi xuất khẩu...
Danh mục mặt hàng hoá chất cấm xuất khẩu, hoặc xuất khẩu có điều kiện ... hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản sau:
1./ Hoá chất cấm nhập khẩu
-
a) Hóa chất độc Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 6/5/2014 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học
-
b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
2./ Hoá chất theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
-
a) Hóa chất và sản phẩm có chứa hóa chất. Hình thức quản lý: thực hiện theo quy định của Luật Hóa chất và các Nghị định quy định chi tiết thi hành.
-
b) Hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 6/5/2014 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Hình thức quản lý: thực hiện theo quy định của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 6/5/2014 của Chính phủ.
-
c) Tiền chất sử dụng trong công nghiệp (theo Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành). Hình thức quản lý: Giấy phép xuất khẩu.
-
d) Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp. Hình thức quản lý: Giấy phép xuất khẩu.
- Thông tư số 01/2006/TT-BCN ngày 11/04/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Cục Hóa chất- Bộ Công thương) hướng dẫn quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất độc và sản phẩm có hóa chất độc hại, tiền chất ma tuy, hóa chất theo tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công nghiệp.
- Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Thông tư số 182/2015/TT-BTCngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính.
Do mặt hàng hoá chất rất phức tạp, cần phải qua giám định mới biết được thành phần cấu tạo chính xác của hoá chất hoặc Công ty phải có tài liệu phân tích chi tiết để chứng minh. Vì vậy, trước khi làm thủ tục xuất khẩu đề nghị Công ty tham khảo các văn bản hướng dẫn về xuất khẩu hoá chất trên để thực hiện hoặc liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn thêm.
2. Trường hợp nhập khẩu Nước rửa tay:
Nước rửa tay thuộc diện mỹ phẩm nên khi nhập khẩu Công ty căn cứ vào các quy định sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về việc nhập khẩu mỹ phẩm như sau:
“Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.”
Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Thông tư trên quy định:
“Điều 3. Quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm
1. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
2. Lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm được thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
4. Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP).
Điều 4. Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm
Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm bao gồm các tài liệu sau:
1. Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ);
3. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.
4. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:
a) CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
b) CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”
Do đó, việc Công ty nhập khẩu mỹ phẩm phải tuân theo các quy định trên và liên hệ với Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tại nơi Công ty nhập khẩu để được hướng dẫn chi tiết.
3. Mã HS:
3.1. Các mặt hàng nhập khẩu của Công ty là hoá chất có thành phần và công dụng của từng mặt hàng không rõ ràng, nên chúng tôi không thể tư vấn chính xác mã số HS cho từng mặt hàng được. Vì vậy, doanh nghiệp có thể thực hiện theo hình thức sau:
- Đề nghị cơ quan hải quan Phân loại trước theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính để thực hiện.
3.2. Đối với mặt hàng là Nước rửa tay:
- Căn cứ vào Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại áp dụng mức thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
- Căn cứ vào Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa năm 2007 của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (HS 2007).
- Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2014 ban hành theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, thì mặt hàng:
+ Nước rửa tay dùng ở các nhà hàng, khách sạn như công ty mô tả có thể tham khảo phân loại mã HS 3401.20.99;
Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của Công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Trung tâm phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
Hồ sơ thủ tục xuất nhập khẩu đề nghị Công ty tham khảo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 (nếu làm thủ tục hải quan truyền thống) (nếu làm thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống VNACCS).
(Nguồn :dncustoms.gov.vn-Hai quan dong nai)