Thủ tục nhập khẩu máy móc thiết bị cho cá nhân
* Cá nhân ký hợp đồng ngoại thương:
- Bạn đọc nhập khẩu dây chuyền sản xuất ngói về để sản xuất kinh doanh, theo quy định tại Điều 50 Chương VI Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 “Về Đăng ký doanh nghiệp” thì:
“1. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này.
2. Cá nhân, hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.”
Do đó, để thực hiện sản xuất, kinh doanh, bạn đọc phải có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Để biết rõ trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, đề nghị bạn đọc tham khảo thêm Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp”.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 thì:
“Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.”
- Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài” về Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, thì:
“Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.”
- Căn cứ Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT thì bạn đọc (với tư cách cá nhân) có thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu (thương mại) tại cơ quan Hải quan nếu bạn đọc có Mã số thuế, đồng thời trạng thái hoạt động của Mã số thuế là bình thường. (Bạn đọc có thể vào địa chỉ http://gdt.gov.vn/wps/portal mục tra cứu thông tin người nộp thuế để kiểm tra trạng thái hoạt động của Mã số thuế)
Trong trường hợp chưa có mã số thuế, đề nghị bạn đọc liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tài chính - Kế hoạch) và cơ quan Thuế để làm thủ tục đăng ký mã số thuế.
* Thủ tục nhập khẩu hàng hóa:
- Về địa điểm làm thủ tục hải quan: căn cứ Điều 4 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan” thì:
“1. Địa điểm làm thủ tục hải quan gồm:
a) Trụ sở Chi cục hải quan cửa khẩu: cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ;
b) Trụ sở Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu: địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa, địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.”
Do đó, bạn đọc làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi hàng hóa đến hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu (nếu làm thủ tục và được chuyển cửa khẩu).
- Về hồ sơ, chứng từ, thủ tục: đề nghị bạn đọc làm thủ tục hải quan theo trình tự quy định tại Phần II Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10 tháng 9 năm 2013 của Bộ Tài chính “Quy định về thủ tục Hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”. Hồ sơ, giấy tờ cần thiết được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 128 nêu trên.
(Nguồn:customs.gov.vn)