Tin tức
Thông tư 23 về NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ: Kém minh bạch và mâu thuẫn
Cập nhật: 14/12/2015
Lượt xem: 3847

Thông tư 23 về NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ: Kém minh bạch và mâu thuẫn

Thông tư mới về NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được cho là đã “nới” hơn so với Thông tư trước đó, nhưng các DN vẫn cho rằng, vẫn còn nhiều quy định không phù hợp thực tế.

Thông tư 23 về NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ

“Nới” và “nâng”
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 (Thông tư 23) thay thế Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ngày 15-7-2014 quy định việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Với Thông tư mới, việc NK máy móc, thiết bị cũ đã “dễ thở” hơn khi Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra nhiều quy định khá linh hoạt. Theo đó, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm, được sản xuất phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường. So với Thông tư 20, việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ tại Thông tư 23 đã “nới” hơn khi nâng tuổi thiết bị được phép NK thêm 5 năm.

Một điểm đáng chú ý trong Thông tư 23 là đưa ra nhiều ngoại lệ. Thông tư cho phép các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ không phải đáp ứng các điều kiện của Thông tư nếu được “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép” hoặc trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn mức trần là 10 năm, nhưng “phải thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để thống nhất quản lý”. Thông tư 23 cũng lưu ý thêm rằng, trong “trường hợp đặc biệt”, quy định về tuổi thiết bị cũng có thể được nới lỏng hơn nữa khi thiết bị đã qua sử dụng có tuổi vượt quá 10 năm nhưng DN cần thiết NK, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định.

Thiếu nhất quán với thỏa thuận quốc tế

Chính những quy định được cho là “nới” này đã vấp phải những ý kiến trái chiều của nhiều DN. Theo Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Việt Nam - VTFA (Liên minh được thành lập bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), AmCham và VCCI nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) - PV), đơn vị này đã tiến hành rà soát Thông tư 23 và phát hiện một số điểm thiếu nhất quán giữa Thông tư và các thỏa thuận quốc tế cũng như một số khía cạnh kém minh bạch, mâu thuẫn.

Theo ông Nestor Scherbey, cố vấn cao cấp VTFA, Thông tư hạn chế việc NK vào Việt Nam các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có thời gian sử dụng trên 10 năm. Thông tư cũng quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có thời gian sử dụng dưới 10 năm cần đi qua các thủ tục đăng ký và cấp chứng nhận phức tạp, điều này sẽ dẫn đến chậm trễ trong thông quan cũng như tạo ra gánh nặng mới về thủ tục hành chính và chi phí cho DN cũng như các bên liên quan.

Ông Nestor Scherbey cho rằng, biện pháp hành chính này không phù hợp với các tuyên bố ưu tiên được nêu trong Nghị quyết số 19 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là không phù hợp với Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO.

Vị chuyên gia này phân tích, Điều 2.2, Hiệp định TBT yêu cầu “Các thành viên phải đảm bảo các văn bản pháp quy kỹ thuật không được soạn thảo, ban hành và áp dụng với quan điểm tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế”. Như vậy, việc hạn chế NK máy móc thiết bị có thời gian sử dụng trên 10 năm đồng nghĩa với việc áp dụng một tiêu chuẩn thời gian duy nhất và cứng nhắc cho rất nhiều chủng loại máy móc và thiết bị sản xuất khác nhau. Theo ông Nestor Scherbey, không có một tiêu chuẩn quốc tế nào có phạm vi sâu rộng như vậy mà áp dụng một tiêu chuẩn cứng nhắc về thời hạn sử dụng đối với tất cả máy móc thiết bị. Trên thực tế việc sử dụng các máy móc và thiết bị có thời hạn sử dụng trên 10 năm là khá phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp. Ví dụ như các loại khuôn dập liên hoàn hoặc các công cụ chuyên dụng, các bộ phận điều khiển công nghệ cao được sử dụng trong các thiết bị sản xuất bền lâu, chẳng hạn như các máy dập trong tự động hóa và rất nhiều ứng dụng công nghiệp khác. Trong khi các khuôn dập, công cụ chuyên dụng hoặc các hạng mục điều khiển công nghệ cao có thể cần thay mới, các loại máy dập ép sử dụng các khuôn dập hoặc công cụ chuyên dụng này lại có thời hạn sử dụng nhiều năm và trong nhiều trường hợp có thể vượt xa giới hạn 10 năm. “Ngoài ra, toàn văn Hiệp định TPP ban hành vừa qua đã kết hợp Điều 2.2 của Hiệp định TBT của WTO. Do đó, việc Thông tư 23 không phù hợp với Hiệp định TBT cũng có nghĩa là kém tương thích với TPP” - ông Nestor Scherbey cho biết thêm.

Từ thực tiễn hoạt động của DN, ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Máy công cụ và thiết bị T.A.T cho rằng, Thông tư 23 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN vừa và nhỏ của ngành cơ khí vì hiện chỉ có 1% máy có dưới 10 năm tuổi được nhập về Việt Nam. Như vậy, Thông thư 23 sẽ giúp cho các công ty Trung Quốc, Đài Loan bán được các máy mới chất lượng thấp vì khách hàng hầu như không còn cơ hội chọn máy cũ. “Ngoài ra, mục tiêu của Thông tư 23 là hạn chế máy móc cũ từ Trung Quốc là không thực tế vì người tiêu dùng không ai đi mua máy cũ từ Trung Quốc bởi máy của Trung Quốc sản xuất dùng đến 5 năm đã phải bỏ nên quy định 10 năm là không chặn được “rác thải” từ Trung Quốc” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Vị giám đốc có hơn 15 năm kinh nghiệm trong kinh doanh máy công cụ cho biết thêm, việc ban hành Thông tư 23 thiếu tính khoa học vì đã không nghiên cứu quy mô ảnh hưởng của các DN cơ khí nhỏ và tỷ trọng đóng góp của khối này vào nền kinh tế chung của quốc gia. Hơn nữa việc quy định năm sản xuất là 10 năm nhưng thực tế việc sử dụng máy là khác nhau nên khó có thể đánh đồng, ví như máy 15 năm tuổi có thể chỉ mới sử dụng 500 giờ nhưng máy 9 năm tuổi cũng có thể dùng tới 2.000 giờ. Ngoài ra, tiêu chuẩn xác định năm đối với một số trường hợp là không thể khi nhà máy sản xuất đã phá sản, nhãn mác trên máy không thể hiện năm sản xuất theo số năm thông thường mà quy ước theo quy định của quốc gia đó như Nhật Bản ghi trên nhãn mác là năm Nhật Hoàng, muốn tính được năm sản xuất phải quy đổi.

Kiến nghị bỏ quy định riêng cho ngành in

Cũng theo ông Tuấn, Thông tư 23 đã phân biệt đối xử khi ngành in được ưu ái áp dụng chuẩn mực riêng trong khi một số chủng loại máy của ngành in thực chất là máy công cụ. Liên quan đến vấn đề này, đại diện VTFA cho rằng, khi triển khai thực hiện quy định này sẽ dễ gây hiểu nhầm rằng, ngoài các trường hợp chung nêu trong Thông tư, liên quan tới máy móc thiết bị chuyên ngành sẽ chỉ có nhóm máy móc thiết bị ngành in mới được loại khỏi phạm vi áp dụng của Thông tư này. Trong khi đó, khoản 2 Điều 4 Thông tư 23 cũng đưa ra nguyên tắc “Đối với các thiết bị đã qua sử dụng NK đã được quản lý trong các văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì áp dụng theo quy định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định tại Thông tư này”, đồng nghĩa với việc, nếu có văn bản khác quy định về việc NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thì sẽ áp dụng văn bản đó thay vì Thông tư 23. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 23 đã bao quát cả trường hợp máy móc, thiết bị thuộc ngành in. “Hơn nữa, việc chỉ rõ máy móc, thiết bị ngành in không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư khiến cho quy định tại Thông tư 23 thiếu toàn diện, bởi sẽ có nhiều văn bản khác nữa quy định về việc NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, tương tự như trường hợp của máy móc, thiết bị ngành in, tại sao lại không được liệt kê vào Thông tư này” - ông Nestor Scherbey đặt câu hỏi. Để tránh gây nhầm lẫn, VTFA kiến nghị, bỏ quy định “máy móc, thiết bị thuộc ngành in, mã số HS 84.40 đến 84.43” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư và sửa thành “Các máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghiệp đã qua sử dụng được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành”.
Nguồn (HQ Online)

 

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC