Quy trình thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Tổng cục Hải quan
Quyết định số 369/QĐ-TCHQ ngày 3/3/2016 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa tại cơ quan Tổng cục Hải quan (14 trang)
Theo Quyết định này, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Tổng cục Hải quan được quy định như sau:
- Thời hạn giải quyết hồ sơ miễn thuế tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ miễn thuế đầy đủ, hợp lệ
- Thời hạn trả lời, giải quyết vướng mắc tối đa là 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hoặc kể từ khi tổ chức, cá nhân bổ sung thông tin
- Trường hợp nội dung giải quyết vượt thẩm quyền, thời hạn lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là 05 ngày làm việc và thời gian giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến
- Trường hợp nội dung giải quyết thuộc thẩm quyền nhưng cần lấy ý kiến của các cơ quan khác thì thời hạn lấy ý kiến là 03 ngày làm việc và thời hạn giải quyết là 03 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, nhưng tối đa không quá 10 ngày
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2016 và thay thế Quyết định số 854/QĐ-TCHQ ngày 11/5/2007.
Quy trình thực hiện cơ chế một cửa
1. Tiếp nhận hồ sơ.
a) Khi tổ chức, cá nhân đến cơ quan Tổng cục Hải quan đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về hải quan, nhân viên Lễ tân của Tổng cục làm thủ tục đăng ký vào sổ quản lý khách đến và hướng dẫn khách đến Bộ phận một cửa.
b) Tại Bộ phận một cửa, công chức tiếp nhận có trách nhiệm đón tiếp và thực hiện các việc sau:
Tiếp nhận, xem xét đề nghị của tổ chức, cá nhân để xác định đề nghị có thuộc phạm vi giải quyết theo cơ chế một cửa hay không.
Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi giải quyết của Tổng cục Hải quan thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
Trường hợp hồ sơ thuộc phạm vi giải quyết của Tổng cục Hải quan nhưng không trong phạm vi giải quyết theo cơ chế một cửa thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân đến gửi hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận công văn đến của Tổng cục.
Trường hợp hồ sơ thuộc phạm vi giải quyết theo cơ chế một cửa thì cán bộ, công chức có trách nhiệm:
- Kiểm tra giấy giới thiệu hoặc giấy chứng minh nhân dân, tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ.
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ theo mẫu số 02, lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Chuyển hồ sơ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức lập Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ theo mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, sau đó chuyển hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ qua văn thư Tổng cục để làm thủ tục đăng ký văn bản đến. Văn thư chuyển hồ sơ cho đơn vị nghiệp vụ liên quan giải quyết theo quy trình giải quyết văn bản đến của cơ quan Tổng cục Hải quan. Thời hạn đăng ký và chuyển hồ sơ cho các đơn vị thực hiện như thời hạn giải quyết văn bản đến quy định tại Quy chế công tác văn thư ngành Hải quan. Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ được chuyển theo hồ sơ và lưu tại Bộ phận một cửa.
3. Giải quyết hồ sơ
3.1. Quy trình giải quyết hồ sơ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị nghiệp vụ phân công cán bộ, công chức giải quyết như sau:
a) Trường hợp không quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ: Công chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và chuyển kết quả giải quyết hồ sơ cho Bộ phận một cửa.
b) Trường hợp có quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ: Công chức báo cáo người có thẩm quyền phương án thẩm tra, xác minh và tổ chức thực hiện. Quá trình thẩm tra, xác minh phải được lập thành hồ sơ và lưu tại đơn vị giải quyết;
Đối với hồ sơ qua thẩm tra, xác minh đủ Điều kiện giải quyết: Công chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và chuyển kết quả giải quyết hồ sơ cho Bộ phận một cửa.
Đối với hồ sơ qua thẩm tra, xác minh chưa đủ Điều kiện giải quyết: Công chức báo cáo cấp có thẩm quyền trả lại hồ sơ kèm theo thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, nội dung cần bổ sung.Thời gian mà đơn vị đã giải quyết lần đầu được tính trong thời gian giải quyết hồ sơ.
c) Các hồ sơ quy định tại Điểm a, b Khoản này sau khi thẩm định mà không đủ Điều kiện giải quyết thì công chức báo cáo cấp có thẩm quyền trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ. Thông báo được nhập vào Mục trả kết quả trong Sổ theo dõi hồ sơ. Thời hạn thông báo phải trong thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.
d) Các hồ sơ quá hạn giải quyết: Đơn vị nghiệp vụ giải quyết hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho Bộ phận một cửa và có văn bản gửi cá nhân, tổ chức, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời hạn trả kết quả.
3.2. Thời hạn giải quyết hồ sơ.
a) Thời hạn giải quyết hồ sơ miễn thuế:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ miễn thuế đầy đủ, hợp lệ, đơn vị thực hiện giải quyết miễn thuế cho tổ chức, cá nhân.
b) Thời hạn trả lời, giải quyết vướng mắc:
b.1) Tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, giải quyết vướng mắc của tổ chức, cá nhân và hồ sơ đã đủ Điều kiện giải quyết, các đơn vị phải có văn bản trả lời.
b.2) Trường hợp phải bổ sung thông tin, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, giải quyết vướng mắc của tổ chức, cá nhân, các đơn vị nghiệp vụ phải thông báo (bằng văn bản hoặc qua email, điện thoại...) cho tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung thông tin; tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ khi tổ chức cá nhân cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin, các đơn vị nghiệp vụ phải có văn bản trả lời.
b.3) Trường hợp nội dung giải quyết vượt thẩm quyền:
Trong vòng 05 ngày làm việc, đơn vị chủ trì phải có văn bản lấy ý kiến của cấp có thẩm quyền, đồng thời thông báo để tổ chức, cá nhân được biết;
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, đơn vị chủ trì phải có văn bản trả lời.
b.4) Trong quá trình nghiên cứu thấy rằng hồ sơ không thuộc thẩm quyền thì đơn vị nghiệp vụ chuyển lại hồ sơ cho Bộ phận một cửa để trả lại tổ chức, cá nhân.
c) Trường hợp nội dung thuộc thẩm quyền xử lý nhưng cần lấy ý kiến tham gia của các đơn vị khác thì:
Trong vòng 03 ngày làm việc, đơn vị chủ trì phải có văn bản lấy ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan;
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan, đơn vị chủ trì phải có văn bản trả lời.
Thời gian xử lý đối với trường hợp này không quá 10 ngày làm việc và khi đã hết thời gian xử lý theo quy định mà vẫn chưa giải quyết xong thì đơn vị phải thông tin cho tổ chức, cá nhân biết.
d) Thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo.
4. Trả kết quả.
Công chức tại Bộ phận một cửa nhập kết quả giải quyết vào Sổ theo dõi hồ sơ và thực hiện như sau:
a) Các hồ sơ đã giải quyết xong: Trả kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì việc trả kết quả được thực hiện qua dịch vụ bưu chính;
b) Đối với hồ sơ chưa đủ Điều kiện giải quyết: Liên hệ với tổ chức, cá nhân để yêu cầu bổ sung hồ sơ theo thông báo của đơn vị giải quyết hồ sơ và văn bản xin lỗi của Bộ phận một cửa (nếu do lỗi của công chức khi tiếp nhận hồ sơ);
c) Đối với hồ sơ không giải quyết: Liên hệ với tổ chức, cá nhân để trả lại hồ sơ kèm theo thông báo của đơn vị liên quan lý do không giải quyết hồ sơ;
d) Đối với hồ sơ quá hạn giải quyết do sự chậm trễ của đơn vị liên quan: Thông báo thời hạn trả kết quả lần sau và chuyển văn bản xin lỗi của đơn vị làm quá hạn giải quyết cho tổ chức, cá nhân;
đ) Đối với hồ sơ giải quyết xong trước thời hạn trả kết quả: Liên hệ để tổ chức, cá nhân đến nhận kết quả;
e) Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đến nhận hồ sơ theo giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả thì kết quả giải quyết hồ sơ được lưu giữ tại Bộ phận một cửa.
(Nguồn:luatvietnam.net)
Tải toàn bộ quyết định tại đây:Quyết định số 369/QĐ-TCHQ