Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp vướng mắc về việc dán nhãn hàng hóa đối với nguyên liệu nhập khẩu là thủy sản đông lạnh đóng xá hoặc đóng block không có bao bì để chế biến thực phẩm vừa được Cục Thú y- Bộ NN&PTNN hướng dẫn cụ thể.
Theo hướng dẫn của Cục Thú y, hàng hóa là động vật thủy sản (cá thu, cá ngừ nguyên con đông lạnh...) được đóng xá trong container lạnh hoặc trên khoang từ các tàu cá nhập trực tiếp về Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản 1, Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, hàng hóa.
Việc một số doanh nghiệp thủy sản cho rằng hàng hóa là động vật thủy sản nhập khẩu như đã nêu thuộc phạm vi điều chỉnh của các điểm đ, e, khoản 2, Điều 1 Nghị định 43 là đối tượng được miễn giảm không bắt buộc ghi nhãn hàng hóa là chưa hiểu đúng vì đối tượng được miễn giảm là các loại hàng hóa phải được bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Cụ thể: “Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng"; “Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản...) không có bao bì và bán trực tiêu cho người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, quy định này chỉ cho phép được miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm NK vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng XK, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và Công văn hướng dẫn số 556/QLXLVPHC&TDTHPL-XLHC ngày 20/11/2017 của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính liên quan đến nhãn hàng hóa. Theo đó, “Hàng hóa... không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa, thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa yêu cầu người nhập khẩu khắc phục trước khi xác nhận để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan Hải quan”...
Cục Thú y đề nghị các doanh nghiệp cung cấp bổ sung các thông tin cho cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu để làm theo quy định, gồm: Bản sao có xác nhận của chủ hàng Giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc Giấy xác nhận của người bán; Nội dung Giấy xác nhận thể hiện các thông tin như: Tên tàu đánh bắt, số đăng ký của tàu, quốc gia treo cờ, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt, khu vực đánh bắt.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Chính phủ giao tham mưu xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về ghi nhãn hàng hóa nên việc xây dựng thông tư hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa thuộc thẩm quyền của bộ này. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT về các khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.