Tin tức
Kiểm tra chuyên ngành bủa vây doanh nghiệp
Cập nhật: 24/12/2015
Lượt xem: 3048

Đó là khẳng định của ông Bùi Thái Quang, Phó trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan tại diễn đàn đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu diễn ra ngày 15-12 tại TPHCM. Theo đó, hiện có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành thuộc 10 cơ quan chức năng đang được áp dụng. Đây chính là nguyên nhân kéo dài thời gian thông quan của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Một lô hàng, 3 cơ quan kiểm tra

Kiểm tra chuyên ngành là một trong những bức xúc nhất mà doanh nghiệp (DN) vấp phải trong hoạt động kinh doanh của mình. Ông Nguyễn Quang Bính, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần sữa Việt Nam nhấn mạnh, thủ tục hải quan có cải tiến và có sự cầu thị rất lớn của cơ quan hải quan. Tuy nhiên, tính đồng bộ trong thủ tục hải quan chưa được cao. Bởi ngoài hải quan thì các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cực kỳ phức tạp. Có những mặt hàng có đến hai, ba cơ quan kiểm tra. Mặt khác, hiện chưa có quy định công nhận chứng nhận với những sản phẩm nhập khẩu từ những nước tiên tiến đã có chứng nhận kiểm định chuyên ngành. Nếu đơn thuần chỉ cải tiến thủ tục thông quan mà không được thiết lập đồng bộ với các cơ quan chuyên ngành để giảm phiền hà cho DN thì vẫn là… cải cách trên giấy.

Đại diện nhiều DN cũng cho biết, thủ tục kiểm tra hiện nay rất phức tạp và không đồng nhất giữa các chi cục hải quan của các tỉnh, thành. Hơn nữa, những tiêu chí nào để DN được xếp vào diện ưu tiên hay không ưu tiên cũng chưa rõ ràng. Trong khi đó, phần mềm hải quan điện tử chưa hoàn thiện nên DN khai và làm thủ tục hải quan liên tục bị lỗi. Vậy thì việc phân loại và xếp loại DN ưu tiên thông quan có khách quan.

ông Bùi Thái Quang, Phó trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan thừa nhận, việc làm thủ tục thông quan đang quá tải tại các chi cục hải quan. Tính trong năm 2015, có khoảng 8 triệu tờ khai hải quan, cao hơn gần 1 triệu tờ khai so với năm 2014. Trong khi đó, lực lượng hải quan chỉ khoảng 11.000 người và không được bổ sung số lượng nhân lực từ năm 2010 đến nay nên quá tải. Mặt khác, cơ sở hạ tầng trang thiết bị thông tin thông quan điện tử chưa đồng bộ và chưa hoàn thiện, khiến cho việc khai báo hải quan chưa được thông suốt, thậm chí DN phải khai đi khai lại rất nhiều lần, tạo nên lượng lớn tờ khai ảo, gây khó khăn rất lớn cho DN. Đơn cử, chỉ tính trong năm 2014 đã xảy ra tình trạng hơn 500.000 tờ khai bị ảo. Thế nhưng, nếu chỉ nói rằng nguyên nhân chậm thông quan do hải quan là oan. Bởi nếu chia thời gian thông quan thành 4 phần thì thời gian hoàn tất thủ tục thông quan chỉ chiếm khoảng 1/3. Còn lại 2/3 thời gian là do DN phải hoàn tất quy trình kiểm ra chuyên ngành do các cơ quan chức năng khác quản lý.

Cải cách bằng cách tạo cuộc đua mới cho doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hải quan là rất cấp bách, nhất là đến ngày 31-12 tới đây Việt Nam chính thức là thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan giảm số mặt hàng cần phải kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, chỉ có những mặt hàng liên quan đến an toàn an ninh thì mới kiểm tra. Còn những mặt hàng khác thì chuyển sang quản lý rủi ro hoặc đẩy về kiểm tra sau thông quan tại DN.

Cũng theo ông Nguyễn Công Bình, bắt đầu từ năm 2016, khác với cách thức quản lý theo từng lô hàng, kiểm tra tất cả tờ khai như trước đây, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường quản lý theo hình thức rủi ro. Cụ thể, dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành đánh giá phân loại DN. Từ đó, lựa chọn và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với DN. Cuối cùng, đánh giá việc áp dụng quản lý rủi ro với DN. Việc quản lý rủi ro của hải quan cũng sẽ được kết nối liên thông với cơ quan quản lý thuế. Điều này đòi hỏi DN ngoài việc tuân thủ quy định hải quan cũng phải tuân thủ quy định về thuế mới được xếp vào danh mục ưu tiên; ngược lại sẽ không được. Trường hợp DN được xếp vào danh mục ưu tiên sẽ được áp dụng biện pháp giảm thiểu tối đa mức độ kiểm tra từ 100% xuống còn 5% đối với hồ sơ khai báo và 1% với kiểm tra hàng hóa thực tế.

Tuy nhiên, nhiều DN băn khoăn khi cho rằng hiện chỉ mới có 48 doanh nghiệp được xếp vào diện doanh nghiệp ưu tiên. Một con số quá ít trong số 150.000 DN đang có hoạt động xuất nhập khẩu. Lý giải thực tế này, bà Nguyễn Thị An Giang, Trưởng phòng quản lý tuân thủ, Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho rằng, đó là do nhiều DN thiếu minh bạch trong việc cập nhật, cung cấp và thiếu sự chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng. Trong năm 2016, Tổng cục Hải quan dự kiến tăng số lượng DN xếp trong danh mục ưu tiên lên 150 DN. Để đạt được mục tiêu này, về phía cơ quan hải quan sẽ triển khai chương trình khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật và nâng cao năng lực tự nguyện thực hiện pháp luật hải quan. Ngay từ bây giờ, DN cần tăng cường rà soát nội bộ và đặc biệt không được tạo vết đen trong hồ sơ khai báo hải quan.
(Nguồn:HQ Online-baohaiquan.vn)


 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC