Theo đó, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, taxi và các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa bằng xe container trên địa bàn TP Hà Nội rà soát ngay các chi phí đầu vào.
Trong đó, chú ý đến phần chênh lệch giá nhiên liệu để thực hiện kê khai giá cước cho phù hợp xu hướng giảm giá nhiên liệu.
UBND TP cũng giao các cơ quan liên quan kiểm tra các yếu tố hình thành giá cước của các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp vận tải chậm điều chỉnh giá hoặc có mức điều chỉnh giá cước chưa phù hợp sẽ tổng hợp danh sách để thanh tra.
Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Không những thế, đối với những doanh nghiệp chây ỳ không kê khai giảm giá cước sẽ nằm trong diện bị thanh tra toàn diện. UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội thanh tra toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp các doanh nghiệp chây ỳ.
Trước đó, ngày 19.2 Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị tiến hành các công tác tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô.
Sau nhiều đợt giảm giá nhiên liệu, lần gần nhất là ngày 18.2, giá xăng R92 đã giảm còn 13.750 đồng/lít (giảm khoảng 16% so với cuối năm 2015), dầu Diezen giảm còn 9.850 đồng/lít.
Hiện nay, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang phối hợp hoàn thành Thông tư thay thế Thông tư quy định về việc kê khai cước vận tải theo hướng giảm thủ tục hành chính, thời gian cho doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá cước.
Cơ quan chức năng đề xuất nếu giá nhiên liệu thay đổi ở biên độ 10% - 20% doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp. Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp đề xuất được tự điều chỉnh điều chỉnh giá cước khi giá nhiên liệu thay đổi 5% - 7% mà không phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng. Sau đó, cơ quan quản lý có thể hậu kiểm để xử phạt các doanh nghiệp không thực hiện đúng.