Tin tức
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 27: Bàn nhiều vấn đề về tạo thuận lợi thương mại
Cập nhật: 05/05/2018
Lượt xem: 1885

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 27 được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4/5 tại Langkawi, Malaysia. Hội nghị do ông Dato’Subromaniam Tholasy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Malaysia chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Hải quan 10 nước thành viên và Ban thư ký ASEAN.

Lãnh đạo của 10 cơ quan Hải quan trong khu vực ASEAN tham dự hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 27. Ảnh: Tạ Thắm

Đoàn Hải quan Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình làm trưởng đoàn đã tham dự hội nghị.

Hội nghị nhằm rà soát tiến độ công việc của các ủy ban/nhóm làm việc hải quan ASEAN, bao gồm Ủy ban điều phối hải quan, nhóm làm việc về thủ tục và tạo thuận lợi thương mại, nhóm làm việc về thực thi và tuân thủ hải quan, nhóm làm việc về xây dựng năng lực hải quan và Ban chỉ đạo Cơ chế một cửa ASEAN.

Tại hội nghị, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong hội nhập ASEAN, cụ thể là việc thành lập nhóm làm việc kỹ thuật về phân loại hàng hóa (TSWGC) đảm nhận vai trò của nhóm đặc trách về AHTN trước đó, và bầu chọn Indonesia là chủ tịch của nhóm làm việc cho giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 6/2020. Nhóm TSWGC được thành lập với mục đích giải quyết tất cả bất đồng khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN liên quan đến việc phân loại hàng hóa, thủ tục đánh giá AHTN và các vấn đề liên quan đến hoạt động của TSWGC. 

Đặc biệt, sự phát triển của Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) đã có những tiến triển đáng kể với việc cả 10 nước thành viên đều đã ký Nghị định thư 2 (Chỉ định các cặp cửa khẩu) thuộc Hiệp định khung về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT), và Nghị định thư 7 (Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN) đã được phê duyệt bởi 9 nước thành viên. Những nghị định thư này kết hợp với các nghị định thư có liên quan thuộc AFAFGIT sẽ cung cấp một nền tảng pháp lý vững chắc cho việc tiến hành ACTS tại ASEAN. 

Các nước thành viên đang tăng cường nỗ lực để phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) cấp quốc gia. Sáu nước thành viên đang thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo sau là Philippines, Lào và Myanmar, cả ba quốc gia đều đang trong quá trình (giai đoạn đầu) để phát triển AEO tại nước mình. 

Trong đó, Campuchia đã tiến hành chương trình doanh nghiệp tuân thủ thương mại được gọi là “Chương trình Thương nhân tuân thủ” từ năm 2013 và đang lên kế hoạch khởi động chương trình AEO trong năm nay (năm 2018).

Bên cạnh đó, hệ thống một cửa ASEAN (ASW) cũng đã đạt được mốc mới trong sự phát triển, đặc biệt là việc thành lập Văn phòng quản trị dự án (PMO) tại Ban thư ký ASEAN để quản lý các hoạt động hàng ngày của Hệ thống một cửa ASEAN. Các tài liệu bổ sung sẽ được xem xét trao đổi điện tử trong hệ thống. Sau khi chấp nhận hướng dẫn triển khai thông báo và đặc điểm kỹ thuật quy trình cho cả Giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử (e-Phyto) và tờ khai hải quan điện tử (e-ACDD) ở đầu năm 2017, trao đổi “thực tế” của e-Phyto và e-ACDD trong môi trường sản xuất đặt mục tiêu lần lượt được thực hiện vào tháng 12/2017 và tháng 8/2018. 

Thành tựu này sẽ góp phần thực hiện đầy đủ các mục tiêu của Hệ thống một cửa ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình giải phóng hàng, đồng thời giảm chi phí và thời gian giao thương tại ASEAN.

Hội nghị cũng đã thông qua Quy chế làm việc của Tiểu nhóm làm việc kỹ thuật về Phân loại (TSWGC) và danh sách các cửa khẩu chỉ định, phụ lục của Nghị định thư 2 (Chỉ định các cặp cửa khẩu) của Hiệp định AFAFGIT. Ngoài ra, hội nghị thống nhất việc khởi động nghiên cứu khả thi chương trình doanh nghiệp ưu tiên khu vực AEO và thành lập nhóm làm việc về thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ của hội nghị, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và cơ quan Hải quan Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có các phiên tham vấn với các tổng cục trưởng Hải quan ASEAN nhằm tăng cường hợp tác hải quan trong khu vực. 

Hội nghị cũng đã tổ chức các phiên tham vấn với Hội đồng kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC); Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC); Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EUABC) nhằm tăng cường quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp trong khu vực.

Nguồn: baohaiquan.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC