Tin tức
Gỡ vướng về hoạt động kho ngoại quan đối với hàng thủy sản
Cập nhật: 24/12/2015
Lượt xem: 2717
(HQ Online)- Tại Hội nghị đối thoại giữa Cục Hải quan TP.HCM với doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Cục Hải quan TP.HCM đã giải đáp và ghi nhận nhiều ý kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đưa hàng hóa ra, vào kho ngoại quan.

Theo quy định tại Mục 1 Điều 82 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21-1-2015, kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m² (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m² trở lên. Đối với kho chuyên dùng để lưu giữ một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt thì kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 1.000 m² Riêng đối với bãi ngoại quan chuyên dùng phải đạt diện tích tối thiểu 10.000 m², không yêu cầu diện tích kho.

Một số doanh nghiệp cho rằng, quy định như trên sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan đông lạnh vì: Kho đông lạnh ngoại quan là kho chuyên dùng. Công suất của kho đông lạnh tính bằng vị trí pallet, mỗi pallet có quy cách trung bình (120x100x150) cm. Kho cao từ 6-7 tầng, với chiều cao của kho là 11m – 12m. Như vậy công suất chứa của kho lạnh tính bằng vị trí pallets tương đương m³ chứ không phải tính bằng m².

Theo phân tích của doanh nghiệp, việc quy định diện tích kho ngoại quan đông lạnh có diện tích tối thiểu 1.000 m² tương đương với sức chứa 2.100 pallets đối với kho 6 tầng và gần 2.500 pallets đối với kho 7 tầng tương đương với sức chứa khoảng 2.000 tấn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu là khó có thể thực hiện được. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, kho ngoại quan đông lạnh chưa bao giờ có hàng chứa đạt đến con số 1.000 tấn nguyên liệu nhập khẩu kể từ khi kho ngoại quan đông lạnh đầu tiên ở Bình Dương hoạt động từ năm 2003 cho tới nay.

Bên cạnh đó, hàng nguyên liệu thủy sản chuyển về kho ngoại quan phục vụ hai mục đích: nhập gia công và nhập sản xuất xuất khẩu. Sau mùa vụ đánh bắt ở nước ngoài hàng thủy sản chuyển về kho ngoại quan ở Việt Nam với số lượng tối đa, số lượng này sẽ giảm dần phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của các công ty nhập khẩu trong nước và sẽ xuất hết vào cuối mùa. Sau đó lại nhập cho mùa mới. Như vậy việc mở rộng kho vào mùa cao điểm và thu hẹp kho vào mùa thấp điểm là nhu cầu có thực. Nếu việc thu hẹp và mở rộng không thể thực hiện được do quy định hạn chế diện tích tối thiểu 1.000 m² là một trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan và khách hàng kho ngoại quan. Mặt khác, kho ngoại quan đông lạnh không thể có bãi tối thiểu 10.000 m². 

Với những lý do trên, doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ không nên quy định diện tích kho, bãi tối thiểu cho kho ngoại quan chuyên dùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho việc mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan vì tính chất mùa vụ của ngành thủy sản.

Cục Hải quan TP.HCM  ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về diện tích kho ngoại quan đối với loại hình đặc thù là mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, trước đây và hiện nay, một số doanh nghiệp đã có vướng mắc về diện tích kho ngoại quan, không chỉ kho ngoại quan chuyên dùng mà còn cả kho ngoại quan chứa hàng hóa thông thường.

Cục Hải quan TP.HCM đã có báo cáo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Hải quan đã có công văn số 8079/TCHQ-GSQL ngày 4-9-2015 chỉ đạo thực hiện theo hướng các doanh nghiệp phải đáp ứng về diện tích kho ngoại quan theo lộ trình tối đa 3 năm để thực hiện đúng theo quy định của Nghị định của Chính phủ. Theo đó, đối với các trường hợp kho ngoại quan chưa đáp ứng về diện tích thì chủ kho ngoại quan không được lưu giữ các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có mức thuế suất từ 10% trở lên; không được thu hẹp diện tích kho ngoại quan; các Chi cục, Cục Hải quan phải tăng mức độ đánh giá rủi ro đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan và chủ kho ngoại quan phải có lộ trình phù hợp để mở rộng diện tích đáp ứng quy định (lộ trình tối đa 3 năm).

Thủy sản gửi kho ngoại quan phải kiểm dịch?

Theo quy định hàng hóa thủy sản, sản phẩm thủy sản gửi kho ngoại quan, hoặc xuất kho ngoại quan ra nước ngoài phải khai báo và làm thủ tục kiểm dịch theo quy định

Doanh nghiệp đề xuất, đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, chủ kho ngoại quan phải khai báo với Cơ quan kiểm dịch. Cơ quan kiểm dịch thực hiện cấp giấy miễn kiểm dịch hoặc xác nhận trên giấy đăng ký kiểm dịch của chủ kho ngoại quan đồng ý cho lô hàng vận chuyển từ cảng về kho ngoại quan.

Đối với hàng xuất khẩu từ kho ngoại quan ra nước ngoài nên bỏ quy định phải làm thủ tục kiểm dịch vì đối với hàng thủy sản nhập khẩu từ nội địa vào kho ngoại quan sau đó được xuất từ kho ngoại quan ra nước ngoài. Các doanh nghiệp nội địa sẽ làm tờ khai xuất khẩu để bán hàng cho khách hàng nước ngoài thuê kho ngoại quan và giao hàng tại kho ngoại quan. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận chất lượng chỉ được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp cho những lô hàng xuất khẩu khi doanh nghiệp cung cấp số container và số seal cho họ. Vì vậy khi doanh nghiệp xuất hàng vào kho ngoại quan sẽ không có giấy chứng nhận chất lượng của lô hàng.

Với vướng mắc và đề xuất nêu trên của doanh nghiệp, Cục Hải quan TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về việc kiểm dịch đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan, sẽ  báo cáo Tổng cục Hải quan để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết.

Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, hiện nay, việc kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan Hải quan thực hiện theo quy định Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 2-2-2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công văn số 7082/TCHQ-GSQL ngày 31-7-2015 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm như sau:

Về thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, căn cứ quy định tại Điều 23 và 24 Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT và công văn số 369/TY-KD ngày 11-3-2010 của Cục Thú y, doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản gửi kho ngoại quan, hoặc xuất kho ngoại quan ra nước ngoài phải khai báo và làm thủ tục kiểmdịch theo quy định.

Trường hợp hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào thị trường nội địa hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan: Cơ quan hải quan kiểm tra thời hạn Giấy chứng nhận kiểm dịch do người khai hải quan đã nộp trước đây khi làm thủ tục nhập khẩu để gửi kho ngoại quan. Nếu Giấy chứng nhận kiểm dịch còn thời hạn hiệu lực (theo khoản 3 Điều 6 Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT, hoặc khoản 3 Điều 6 Quyết định số15/VBHN-BNNPTNT ngày 11-4-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì không yêu cầu doanh nghiệp phải làm thủ tục kiểm dịch; trường hợp Giấy chứng nhận hết thời hạn hiệu lực thì yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo để kiểm dịch hoặc gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm dịch.

Về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm gửi kho ngoại quan, căn cứ quy định điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 của Chính phủ và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8-4-2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thực phẩm nhập khẩu (gồm thủy sản, sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm) từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm; trường hợp hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ thì phải đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định.
(Nguồn:HQ Online-baohaiquan.vn)

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC