Doanh nghiệp này đăng kí làm thủ tục nhập khẩu lô hàng theo khai báo là thực phẩm chức năng, gồm 3 mục hàng, trị giá gần 9.000 USD. Theo quy định, lô hàng phải qua kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo kết quả kiểm chất lượng của Trung tâm Kĩ thuật Đo lường Chất lượng 3 (Trung tâm 3) chỉ có 1 mục hàng đạt chất lượng nhập khẩu, 2 mục hàng còn lại không đạt yêu cầu nhập khẩu (do hàm lượng chodroitin sulphate không phù hợp với mức quy định tại tiêu chuẩn công bố và trên nhãn sản phẩm), gồm: 984 hộp thực phẩm chức năng CS/GS/MSM 3760mg và 1.500 hộp Glucosamine.
Sau khi có kết quả kiểm tra chất lượng lô hàng nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mời doanh nghiệp đến giải quyết lô hàng nhập khẩu nêu trên, tuy nhiên doanh nghiệp đề nghị kiểm tra lại lần 2. Sau nhiều lần đôn đốc nộp kết quả kiểm tra, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tin học P.V. đến Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nộp bổ sung bản chính giấy phép xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu của Trung tâm 3 với kết luận “lô hàng đạt yêu cầu nhập khẩu”.
Làm việc với cơ quan Hải quan về việc chậm nộp kết quả thông báo lô hàng nhập khẩu, giám đốc doanh nghiệp cho biết đã tự ý tiêu thụ hàng trước khi hoàn thành khai báo thủ tục hải quan.
Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có công văn gửi Trung tâm 3 xác minh quá trình kiểm tra và cấp thông báo kết quả của lô hàng nêu trên. Trung tâm 3 có công văn trả lời cho biết chưa nhận được quyết định của Cục An toàn thực phẩm về việc xử lý 2 lô sản phẩm trên và cũng chưa phát hành bất cứ thông báo nào xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu, ngoài thông báo lô hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu số 13714/N3.14/KT3.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tin học P.V. đã giả mạo thông báo của Trung tâm 3 với kết quả lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu để nộp cho cơ quan Hải quan. Trị giá lô hàng vi phạm trên 174 triệu đồng.
Như vậy, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tin học P.V. đã có hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định; nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật và hành vi xuất trình chứng từ, tài liệu giả mạo cho cơ quan Hải quan.
Căn cứ Điều 24 và Điều 35 Luật Hải quan 2014, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tin học P.V. Đầu tháng 2-2016, Cục Hải quan TP.HCM đã có văn bản trao đổi với Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị xem xét dấu hiệu hình sự vụ vi phạm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tin học P.V.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, liên quan đến hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tạo nhiều điều kiện hỗ trợ DN thuận lợi trong việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng DN chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành, tự ý đưa hàng hóa chưa hoàn thành thủ tục hải quan ra thị trường tiêu thụ… Đối với những trường hợp vi phạm, Cục Hải quan TP.HCM đã áp dụng biện pháp đưa vào diện quản lý rủi ro, các lô hàng nhập khẩu tiếp theo không cho mang hàng kiểm tra chuyên ngành về kho bảo quản trong thời hạn 6 tháng, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định.
(Nguồn:baomoi.com)