Đây là hướng dẫn của Bộ Tài chính khi thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài. Theo hướng dẫn thì thủ tục hải quan được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu..
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn xác định 3% nguyên liệu, vật tư dư thừa. Theo đó, phần nguyên liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng không vượt quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã NK của hợp đồng gia công tính theo từng chủng loại nguyên liệu, vật tư của hợp đồng thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, DN phải kê khai nộp thuế với cơ quan Thuế nội địa theo quy định pháp luật về thuế.
Khi phát sinh việc thanh toán tiền gia công bằng sản phẩm gia công thì thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38 và Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn mác hàng hóa.
Liên quan đến việc tiêu hủy hàng hóa, Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
Cụ thể, trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm là chất thải nguy hại hoặc có chứa các thành phần nguy hại thì thực hiện theo các quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm không phải là chất thải nguy hại thì thực hiện theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP.
Cơ quan Hải quan sẽ giám sát trực tiếp đối với việc tiêu hủy máy móc, thiết bị, nguyên liệu của loại hình gia công và DN chế xuất (trừ trường hợp DN ưu tiên).