Tin tức
Có thể giải phóng hàng trước khi cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng
Cập nhật: 01/02/2016
Lượt xem: 3476

Công ty chúng tôi có nhập khẩu hàng motor của máy nén khí công suất 15-75 Kw. Theo qui định phải dán nhãn năng lượng. Vậy thủ tục dán nhãn năng lượng như thế nào? Cơ quan nào phụ trách các doanh nghiệp ở HCM, địa chỉ và số điện thoại liên lạc? Chúng tôi làm thủ tục thông quan hàng hóa trước và làm thủ tục dán nhãn năng lượng sau có được hay không? Nếu không thì phải nộp các giấy tờ gì để được thông quan ?

Thủ tục dán nhãn năng lượng:

Căn cứ Điều 8 Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 04/04/2012 của Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng có quy định: “8. Trình tự thủ tục đánh giá và cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng:

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục nêu ở Điều 1 Thông tư này tham gia chứng nhận và dán nhãn năng lượng (nhãn xác nhận hoặc nhãn so sánh) cần thực hiện các bước sau đây:

1. Thử nghiệm mẫu điển hình: Doanh nghiệp tự lấy mẫu phương tiện, thiết bị; Số lượng và phương pháp lấy mẫu thử theo tiêu chuẩn tương ứng hoặc theo quy định của Bộ Công Thương và gửi tới tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định để thử nghiệm theo tiêu chuẩn tương ứng để được cấp phiếu kết quả thử nghiệm.

2. Lập hồ sơ và gửi về Tổng cục Năng lượng, hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đăng ký chứng nhận dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh hay nhãn xác nhận theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo danh mục các loại phương tiện, thiết bị;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng);

c) Bản sao của hợp đồng với các nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài (đối với các nhà nhập khẩu) và Tờ khai hàng hóa nhập khẩu;

d) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa;

đ) Bản công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa (bản sao có đóng dấu xác nhận của người đứng đầu doanh nghiệp), bản mô tả tóm tắt các thông số đặc trưng cơ bản của phương tiện, thiết bị;

e) Kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm được chỉ định cấp có thời hạn không quá 06 tháng kể từ ngày cấp;

g) Hồ sơ, tài liệu, quy trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp;

h) Hồ sơ, chứng chỉ quản lý chất lượng liên quan.

Đối với trường hợp đại lý nộp thay cho nhà sản xuất ở nước ngoài, đại lý phải xuất trình Giấy ủy quyền. Trường hợp các hồ sơ, tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và có công chứng.

3. Đánh giá chứng nhận

a) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đăng ký chứng nhận dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị, Tổng cục Năng lượng xem xét hồ sơ, đánh giá năng lực doanh nghiệp, sự phù hợp của hồ sơ, kết quả thử nghiệm so với tiêu chuẩn đánh giá; xác định mức tiêu thụ năng lượng so với các tiêu chuẩn đã công bố;

b) Sau khi có kết quả đánh giá hồ sơ phù hợp, Tổng cục Năng lượng đánh giá thực tế các doanh nghiệp đăng ký tham gia dán nhãn năng lượng và ra quyết định chứng nhận phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.

4. Cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng

Trường hợp kết quả hồ sơ đánh giá đạt yêu cầu:

a) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, Bộ Công Thương ra quyết định cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị được đăng ký. Giấy chứng nhận chỉ có giá trị cho từng lô hàng nhập khẩu. Các lô nhập tiếp theo có cùng xuất xứ, cùng địa chỉ nhà máy sản xuất, không có thay đổi về kỹ thuật làm ảnh hưởng đến các yêu cầu chứng nhận, Doanh nghiệp nhập khẩu nộp hồ sơ báo cáo Tổng cục Năng lượng để Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận mới. Nếu có sự thay đổi về xuất xứ hàng hóa hoặc địa điểm nhà máy sản xuất hoặc model hoặc thiết kế kỹ thuật thì phải đánh giá, chứng nhận lại;

b) Đối với nhà sản xuất, Bộ Công Thương quyết định cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng. Giấy chứng nhận có thời hạn tối đa là 03 (ba) năm. Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này. Ba tháng trước khi hết hiệu lực của giấy chứng nhận, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ chứng nhận lại.

Trường hợp kết quả đánh giá không đạt, Tổng cục Năng lượng thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do.”

Do đó, công ty có thể lập hồ sơ theo quy định trên và gửi đến Bộ Công Thương - Tổng cục Năng lượng để được xem xét.

2/ Về việc thông quan hàng hóa phải dán nhãn năng lượng:

 - Căn cứ điểm 2 công văn số 3854/BCT-TCNL ngày 21/04/2015 của Bộ Công Thương, theo đó có quy định:“…đối với các sản phẩm thuộc Danh mục, phương tiện, thiết bị thuộc Quyết định 51 đang làm thủ tục dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét tạo điều kiện cho thông quan lô hàng hóa nhập khẩu khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các giấy tờ sau:

- Văn bản xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương.

- Văn bản cam kết bổ sung Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng trong thời hạn 60 ngày làm việc và cam kết chịu mọi trách nhiệm thực hiện hành động khắc phục trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phù hợp theo quy định.”

Do đó, công ty có thể căn cứ quy định trên và liên hệ với Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai để được giải quyết.

(Nguồn:dncustoms.gov.vn)

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC