DN Hàn Quốc đón chờ
Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) từ tháng 5-2015. Phía Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc mới đây cũng đưa ra thông tin, từ ngày 20-12-2015, VKFTA chính thức sẽ có hiệu lực. Các bộ, ngành Việt Nam cũng đã có hướng dẫn để DN có thể tận dụng lợi ích mà VKFTA mang lại như: Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 40/2015/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong VKFTA; Bộ Tài chính cũng đang chuẩn bị ban hành Thông tư về Biểu thuế XK và NK ưu đãi của Việt Nam để thực hiện VKFTA.
Theo cam kết, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị NK (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Với cam kết này của Việt Nam, DN Hàn Quốc cũng đang rất nóng lòng để tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định này. Cơ quan xúc tiến của Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều triển lãm, hội thảo, giao thương để giúp các DN tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn.
Ông Kim Yoon Chang, Giám đốc kinh doanh Công ty Taehwa Kalpa Seal (Hàn Quốc) chia sẻ: “Đến với sự kiện “giao thương DN Hàn Quốc- Việt Nam năm 2015”, chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm gioăng và tấm nệm Hàn Quốc chủ yếu sử dụng trong công nghiệp đóng tàu, nhà máy giáp nối đường ống”. Hơn nữa, những sản phẩm của công ty đều nằm trong diện miễn thuế của VKFTA nên ông Kim Yoon Chang rất kỳ vọng tiềm năng ở thị trường Việt Nam. “Việt Nam là nước đang phát triển, có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, dự án được triển khai và những công trình này sử dụng rất nhiều sản phẩm giống như của chúng tôi. Tôi mong rằng sẽ đưa được nhiều hàng hóa vào Việt Nam để thúc đẩy thương mại mặt hàng này nhiều hơn, nhất là khi thực hiện VKFTA. Để xúc tiến sang Việt Nam, chúng tôi có hai hướng tiếp cận gồm thông qua công ty thương mại để XK cho các dự án và làm việc trực tiếp với những DN lớn của Việt Nam”, ông Kim Yoon Chang nói.
Mặt hàng “nhạy cảm” của Việt Nam được mở cửa
Về phía Việt Nam, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với việc Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế cao, nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao, giúp gia tăng kim ngạch XK của Việt Nam sang Hàn Quốc, đặc biệt là mặt hàng nông, thủy sản. Cụ thể, sản phẩm tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn tôm/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN. Với lượng hạn ngạch này sẽ tác động lớn theo chiều tích cực đến sản xuất và nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam. Với ưu đãi này, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam nhìn nhận, tôm là mặt hàng XK quan trọng nhất của Việt Nam sang Hàn Quốc. Ưu tiên của Hàn Quốc đối với tôm Việt Nam tạo ra cơ hội cho DN, đặc biệt là nhóm sản phẩm chế biến có mã HS 1605 là mặt hàng DN Việt Nam có thế mạnh, có lợi thế.
Một sản phẩm đặc biệt mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình đàm phán là Hàn Quốc mở cửa cho mặt hàng tỏi, gừng của Việt Nam. Ông Sơn cho biết, ẩm thực Hàn Quốc thì tỏi là thành phần không bao giờ thiếu, họ ngâm tẩm trực tiếp và đặc biệt người Hàn Quốc ăn tỏi rất nhiều. Trong khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên Hàn Quốc mở cửa thị trường mặt hàng tỏi. Do vậy cam kết này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có cả ý nghĩa xã hội tạo cơ hội cho bà con nông dân trồng tỏi như ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trên thực tế, hàng năm, Hàn Quốc NK hàng triệu USD tỏi từ Trung Quốc, khi VKFTA có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường này.
Không chỉ có nông, thủy sản, trong số 95,4% số dòng thuế Hàn Quốc cam kết cắt giảm cho Việt Nam, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... cũng là những mặt hàng sẽ được hưởng lợi lớn từ VKFTA.
Mối quan hệ “win - win”
Như vậy, với cơ cấu hàng hóa XNK bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp, cả hai bên đang kỳ vọng lớn vào VKFTA để thúc đẩy quan hệ kinh tế trong lĩnh vực đầu tư cũng như tăng kim ngạch song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020. Ông Lee Hyu Seon, Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA) cho biết: “VKFTA giúp DN Việt Nam tiếp cận công nghệ gia công tiên tiến của Hàn Quốc để gia công các mặt hàng nguyên vật liệu NK từ Hàn Quốc rồi XK sang Hàn Quốc. Mối quan hệ “win- win” giữa Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ thương mại mà còn đầu tư. Với đất nước có bản tính chăm chỉ cần cù thì Việt Nam là một trong những nước ASEAN sẽ tiếp cận công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, vận dụng trong quá trình sản xuất”.
Trong khi phía DN Hàn Quốc nhìn nhận Việt Nam như là một cơ hội lớn để đầu tư hợp tác thì DN Việt Nam có phần hơi lo lắng. Lo lắng này xuất phát từ những yêu cầu khắt khe của đối tác, nhất là đối với những mặt hàng nông, thủy sản. Theo ông Hong Sun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, Hàn Quốc cũng rất thiếu nông sản và phải NK. “Nông sản Việt Nam có chất lượng tốt, nên chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh NK các mặt hàng này từ Việt Nam”, ông Hong Sun nói. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, các tiêu chuẩn của Hàn Quốc đối với các mặt hàng nông sản cực kỳ phức tạp, với nhiều thủ tục chặt chẽ. Yêu cầu của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch rất khắt khe. Do vậy, ông Hong Sun khuyến cáo, các DN Việt Nam nên hợp tác với một số chuyên gia, hoặc các DN nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc để nâng cao hiệu quả XK. Nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ thì sẽ mất cơ hội.
(Nguồn:HQ Online-baohaiquan.vn)