Chính thức thí điểm cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật XK theo NSW
(HQ Online)- Từ hôm nay 22-12, thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật XK chính thức được triển khai thí điểm theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW). Hầu hết DN đều đánh giá cao động thái này, đồng thời khẳng định sẽ tích cực tham gia để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hồ sơ giấy.
Biến bị động thành chủ động
Bà Bùi Kim Quy, phụ trách XNK Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Hải Phòng cho biết: Công ty chủ yếu NK các loại sản phẩm thủy sản về tiêu thụ nội địa, đồng thời NK các loại gà, vịt chế biến rồi XK. Với mỗi lô hàng XK, DN đều cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật XK. Thông thường, mỗi lần muốn xin cấp giấy chứng nhận, DN sẽ phải làm đơn xin phép được kiểm dịch gửi Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).
Sau đó, nếu thông qua, Cục Thú y sẽ gửi công văn cho Cơ quan Thú y vùng và DN sẽ nộp hồ sơ xin đăng ký kiểm dịch cho đơn vị này, chờ đơn vị cử cán bộ kiểm dịch xuống lấy mẫu trực tiếp. Toàn bộ quá trình từ khi DN gửi đơn đến Cục Thú y cho tới khi nhận được kết quả cuối cùng là Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật XK mất tổng thời gian khoảng 7-10 ngày.
“Hiện tại, về cơ bản mọi việc khá thuận lợi, cơ quan Thú y cũng tạo điều kiện cho DN. Tuy nhiên, do nộp hồ sơ giấy nên khi gửi đơn lên Cục Thú y, bên cạnh gửi email, DN vẫn phải nộp kèm bản giấy theo đường bưu điện gây bất tiện”, bà Quy nói.
Công ty TNHH Thắng Lợi là DN chuyên XK mặt hàng thịt lợn sữa sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia... Trung bình một tháng Công ty xuất đi trên 200 tấn hàng, tính ra khoảng 9-10 lô. Theo bà Đặng Thị Thảnh, nhân viên XNK Công ty, việc triển khai xin cấp giấy phép kiểm dịch hiện tại khá thuận lợi, song DN vẫn tốn nhiều thời gian, công sức.
Trụ sở Công ty cách nơi DN nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch là trụ sở Cơ quan Thú y Vùng 2 khoảng 40 km. Mỗi lần cần xin cấp giấy phép kiểm dịch, Cơ quan Thú y cũng tạo điều kiện để DN fax hồ sơ xuống. Tổng thời gian từ khi nộp hồ sơ cho tới khi nhận giấy kiểm dịch chỉ khoảng 5-6 ngày. Tuy nhiên, khi có hẹn nhận giấy chứng nhận kiểm dịch, DN vẫn phải đem theo hồ sơ gốc xuống trình rồi cơ quan Thú y mới cấp giấy.
Điều này ít nhiều cũng gây phiền hà cho DN. “Tôi đã tham gia tập huấn việc triển khai NSW và nhận thấy rất nhiều ưu điểm, lợi ích. Đặc biệt, khi triển khai NSW, hồ sơ được khai báo đầy đủ trên hệ thống, cơ quan Thú y tiếp nhận thông tin thông qua NSW. Khi có kết quả kiểm dịch, cơ quan Thú y có thể cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để sẵn, DN chỉ cần thu xếp thời gian hợp lý đi lấy chứ không cần phải đem theo cả hồ sơ gốc như trước. Điều này giúp DN từ bị động chuyển thành chủ động hơn”, bà Thảnh nói.
Không thể chậm tiến
Nhìn nhận về lợi ích của việc triển khai NSW, bà Bùi Kim Quy cho rằng: Về mặt thủ tục giấy tờ, DN tinh giản đi nhiều. Đối với Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Hải Phòng, thay vì phải gửi công văn cho Cục Thú y theo đường bưu điện, DN có thể khai báo trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia ở bất cứ vị trí và thời điểm nào. Đồng thời, DN cũng theo sát được tiến trình của công văn, hồ sơ gửi đi, chủ động trong công việc. Bà Quy khẳng định, DN rất ủng hộ và sẽ tham gia triển khai thí điểm ngay từ những ngày đầu tiên.
“Ở góc độ DN, tôi cho rằng trong quá trình mới triển khai có lẽ sẽ không tránh được những vướng mắc. Tuy nhiên, theo thời gian mọi vấn đề sẽ được tháo gỡ. Ví dụ điển hình chính là việc cơ quan Hải quan triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VICS, ban đầu cũng vướng rất nhiều nhưng hiện tại Hệ thống vận hành rất tốt, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN so với cách làm trước đây.
Trong bối cảnh như hiện nay, nếu DN không tích cực tham gia những vấn đề như triển khai NSW thì sẽ là chậm tiến và khó khăn khi hội nhập”, bà Quy nhấn mạnh.
Mặc dù khẳng định sẽ tích cực tham gia triển khai NSW, nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một số DN vẫn bày tỏ, quá trình tham gia tập huấn cảm thấy hệ thống vận hành chưa thông suốt, còn nhiều vướng mắc, khai báo thông tin vẫn còn xuất hiện lỗi…
Vì vậy, các DN mong muốn cơ quan chức năng liên quan sẽ thành lập hình thức “Tổ công tác” với nhân lực dồi dào, túc trực hỗ trợ DN thường xuyên trong giai đoạn đầu triển khai NSW. Bởi hiện tại, mặc dù cơ quan Thú y đã có đầu mối để hỗ trợ DN trong quá trình triển khai NSW, tuy nhiên thông thường số cán bộ phụ trách khá ít nên thường rơi vào tình trạng “quá tải”.
Ngoài ra, một số DN cũng kiến nghị cơ quan Thú y sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN khi tham gia triển khai NSW, điển hình như mặc dù DN tiến hành khai báo thông tin trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng nếu có vấn đề gì trục trặc, DN vẫn có thể chuyển tiếp công đoạn sang làm hồ sơ giấy thông thường nhằm đảm bảo tiến độ công việc.
(Nguồn:HQ Online-baohaiquan.vn)