Tin tức
Chi phí logistics lớn có thể nhấn chìm “con tàu” kinh doanh
Cập nhật: 23/04/2018
Lượt xem: 1678

Ngày 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng, kinh doanh dịch vụ logistics, vận tải, hỗ trợ vận tải. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Dũng.
Chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam với trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai. Tuy nhiên, khái niệm, cách tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý vấn đề này còn hạn chế. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao. 

“Nếu ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics. Phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước”, Thủ tướng nêu rõ. 

Dẫn câu nói của Benjamin Franklin - một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

“Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng nói. 

Chi phí là rào cản lớn nhất 

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 20-21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Chi phí này cao hơn so với các nước có trình độ phát triển tương đương và cao hơn nhiều các nước phát triển. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 19%, Thái Lan là 18%, Nhật Bản là 11%, EU chỉ 10%. Trong chi phí logistic ở Việt Nam thì chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistic với 59%.  

Chính vì vậy, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải nhận thức rõ, gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó chi phí logistic cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các phương thức vận tải, việc kết nối kém làm tăng chi phí vận tải. Đây là thách thức của nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sự rời rạc đó làm chi phí logisctis chiếm tới 20,9% GDP.

Một trong những yếu kém của ngành logistic đó là kết nối các loại hình vận tải ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%. “Mà như vậy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hư hỏng đường. Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi, nếu không chuyển phương thức. Tồn tại này rất lớn mà các cấp, các ngành quán triệt, nhận thức để tổ chức”, Thủ tướng lưu ý.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. 

“Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thẳng thắn chia sẻ.

Đề xuất về những giải pháp nhằm giảm chi phí logistic, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nhanh chóng ban hành các mã ngành kinh doanh logistics để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, triển khai quy hoạch giữa kết nối giao thông với các trung tâm logistics. 

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành khác và các địa phương cần có sự phối kết hợp chặt chẽ để cải cách thủ tục hành chính và có những định hướng cho sự phát triển cho hoạt động logistics. Ngoài ra cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp cần cập nhật các quy chuẩn, quy định để tiếp cận hơn nữa với thị trường một cách hiệu quả đúng quy định của pháp luật. Các hiệp hội cầng nâng cao năng lực kết nối trong và ngoài nước. Đặc biệt việc đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố quan trọng để logistics phát triển.
Nguồn: baohaiquan.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC