Bắc Ninh, Thái Nguyên xin lỗi và mang trả tiền phạt cho Samsung?!
Báo Giao thông liên tục có nhiều bài phản ánh về tình trạng xe chở công nhân Samsung “vô tư” dừng đỗ, đón trả công nhân, biến lòng đường thành những “bãi xe di động” tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và TP Hà Nội. Tuy nhiên, phớt lờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong mấy ngày gần đây, tại các địa điểm như đường Phạm Hùng và đường Duy Tân (Hà Nội), PV chứng kiến xe chở công nhân Samsung không phù hiệu, không hợp đồng vẫn ngang nhiên tung hoành.
Hơn nữa, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty CP Dương Việt Nhật (VIJASUN) - một trong những đơn vị đảm nhận vận chuyển công nhân cho Samsung tiếp tục bao biện: “Các anh lưu ý thêm một điều là Samsung hiện đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Năm nay là 32,8 tỷ USD nên tất cả các sở, ban, ngành và gần như cả đất nước rất tôn trọng nó (Samsung - PV) (?!)”.
“Tôi nói ví dụ nhé, 2 tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên lập biên bản, không giam xe, nhưng chỉ 1 tuần sau chính họ lại đến trả lại tiền: Xin lỗi các anh, trả lại anh tiền. Các anh đã giúp đỡ đất nước chúng tôi quá nhiều, giúp tỉnh tôi quá nhiều. Hiện nay, có 3 tỉnh thành là: Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên đều bắt, nhưng chỉ có Hà Nội chưa trả lại tiền”, ông Dương ngang nhiên kể và nhắc lại: “Chúng tôi đã xin và đích thân Thủ tướng đã có công văn xuống TP Hà Nội yêu cầu tìm điểm đỗ cho chúng tôi. Trong lúc chưa có điểm, bên Công an và Sở GTVT phải tạo mọi điều kiện cho chúng tôi có điểm đỗ (?!)”.
Samsung lại “né” trách nhiệm?
Để làm sáng tỏ vấn đề này, hai lần PV Báo Giao thông gửi câu hỏi phỏng vấn tới đại diện Tập đoàn Samsung tại Việt Nam với gần 10 câu hỏi muốn làm rõ như: Ý kiến của Samsung về việc xử lý thế nào với các DN tham gia vận chuyển công nhân nhưng chưa được cấp phép hoạt động vận tải tại Hà Nội và có nhiều vi phạm về thể lệ vận tải? Samsung có lường trước các hệ lụy của các phương tiện vận chuyển này đối với TTATGT nói chung và an toàn tính mạng đối với công nhân Samsung nói riêng? Một Tập đoàn lớn và có uy tín như Samsung liệu rằng có hợp tác với những DN mà chưa được cấp phép hoạt động?...
Tuy nhiên, trong cả hai lần PV gửi câu hỏi đều nhận được câu trả lời rất chung chung từ phía Tập đoàn này: “Samsung và các bên liên quan đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết vấn đề điểm đỗ xe buýt, nhằm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và đảm bảo đưa đón nhân viên đến nơi làm việc an toàn và thuận lợi (?!)”.
Liên quan đến hoạt động đón, trả công nhân Samsung trái phép trên địa bàn Hà Nội, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết thêm, kết quả thanh tra của Sở GTVT Hà Nội cuối năm 2015 cho thấy, Công ty TNHH Lotte Rental Việt Nam kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhưng không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Cũng theo ông Hải, Công ty TNHH Lotte Rental Việt Nam hiện có khoảng 286 xe đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 85 xe không có tem hợp đồng kinh doanh, số còn lại có tem hợp đồng kinh doanh nhưng do Sở GTVT TP HCM cấp. Đặc biệt Công ty TNHH Lotte Rental Việt Nam có vốn đầu tư 100% nước ngoài nên vi phạm về đầu tư vận tải nhưng vẫn được cấp phép tại TP HCM. Số còn lại không có hợp đồng kinh doanh đang “nhởn nhơ” chạy tại Hà Nội.
Đơn cử kiểm tra hồ sơ, chứng từ có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách từ Hà Nội đi Bắc Ninh và ngược lại của Công ty trong tháng 10 và tháng 11/2015, có 13 xe ô tô 47 chỗ thuộc sở hữu của Công ty TNHH Lotte Rental Việt Nam không có phù hiệu nhưng vẫn tham gia đưa, đón cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam từ Hà Nội - Bắc Ninh và ngược lại như các xe: BKS 29LD-018.49, 29LD-018.20, 29LD-016.04...
(Nguồn:baogiaothong.vn)