Áp mã HS Hải Quan có thể giết chết nhiều doanh nghiệp.
Câu chuyện về mã HS, vốn đang nóng với đơn kêu cứu của 8 DN sữa về việc bị truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng, lại được nhắc đến nhiều tại buổi đối thoại.
Đại diện Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco) cho biết, công ty nhập khẩu một số loại vật tư phục vụ sản xuất pin và ắc quy như lá cắt tấm phân cực ắc quy. Sản phẩm này được nhà cung cấp chứng minh vật liệu là sợi thủy tinh tổng hợp 94%, thuộc nhóm hàng chịu thuế nhập khẩu 5%.
Tuy nhiên, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan Cát Lái) áp thuế 20% với lý do thuộc mã hàng hóa khác với khai báo của DN. DN đã khiếu nại nhưng cơ quan hải quan không đồng ý và yêu cầu DN lấy sản phẩm mang sang Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Khi mang đến Trung tâm lại được yêu cầu chỉ phân tích khi có yêu cầu trực tiếp của chi cục hải quan…
Áp thuế 5% như lâu nay có chính xác không và nếu không đúng thì theo quy định nào? Cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm ra quy định nào áp thuế suất 10% cho mặt hàng mật rỉ đường”, đại diện Công ty Ajinomoto nói tại buổi đối thoại doanh nghiệp và lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM diễn ra hôm 15/12.
Ông Tài cho biết đã có văn bản gửi Chi cục Hải quan Cát Lái đề nghị hỗ trợ về vấn đề này nhưng chưa được tiếp nhận. “Vấn đề vẫn treo ở đây”, ông Tài nói và đây chỉ là một trong số nhiều mặt hàng mà công ty này đang nhập khẩu bị vướng ở khâu xác định mã số hàng hóa để tính thuế.
Hay Công ty TNHH Vinatoken kinh doanh, mua bán vải không dệt, khăn ướt, vật tư tiêu hao y tế nhưng khi nhập khẩu mặt hàng bông, băng, gạc, bao tay… bị áp thuế GTGT 10% trong khi quy định chỉ là 5%.
Còn Công ty Ajinomoto Việt Nam đặt câu hỏi về mặt hàng Amix - mật thu được từ chiết xuất đường củ cải (dạng lỏng) dùng làm môi trường nuôi cấy vi sinh trong quá trình sản xuất bột ngọt. Theo các quy định hiện hành, mặt hàng này chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, gần đây Công ty lại nhận được thư mời và yêu cầu phải áp thuế 10% với lý do đã khai báo tên hàng là “Nguyên liệu sản xuất bột ngọt – mật thu được từ chiết xuất đường”.
Giải đáp các vướng mắc của DN, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó phòng Thuế xuất nhập khẩu - Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh cho biết, nếu đúng như những gì Pinaco trình bày thì Hải quan Cát Lát áp thuế 20% là sai và DN cần làm việc ngay với Phòng Thuế xuất nhập khẩu cùng đại diện Chi cục Hải quan Cát Lái.
Với trường hợp của Công ty Ajinomoto, căn cứ điều 10 - Thông tư 219/2013/BTC, hải quan sẽ phải hoàn thuế lại cho DN nếu đã thu 10%. Còn trường hợp của Vinatoken, đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, trong các thông tư quy định về biểu thuế hiện tại, chỉ quy định mặt hàng bông băng gạc… chịu thuế GTGT 5%, nếu áp DN 10% là sai...
“Nếu đúng như những gì doanh nghiệp trình bày thì Cát Lái phải xem lại. Áp theo chương 39 thì chết người ta”, ông Toản nói về trường hợp của Pinaco. Đồng thời ông cũng cam kết sẽ xem có uẩn khúc trong các câu chuyện này hay không và sẽ có báo cáo cụ thể.
Kiểm tra chuyên ngành bủa vây doanh nghiệp
Đó là khẳng định của ông Bùi Thái Quang, Phó trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan. Theo đó, hiện có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành thuộc 10 cơ quan chức năng đang được áp dụng. Đây chính là nguyên nhân kéo dài thời gian thông quan của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Kiểm tra chuyên ngành là một trong những bức xúc nhất mà doanh nghiệp (DN) vấp phải trong hoạt động kinh doanh của mình. Ông Nguyễn Quang Bính, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần sữa Việt Nam nhấn mạnh, thủ tục hải quan có cải tiến và có sự cầu thị rất lớn của cơ quan hải quan. Tuy nhiên, tính đồng bộ trong thủ tục hải quan chưa được cao.
Bởi ngoài hải quan thì các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cực kỳ phức tạp. Có những mặt hàng có đến hai, ba cơ quan kiểm tra. Mặt khác, hiện chưa có quy định công nhận chứng nhận với những sản phẩm nhập khẩu từ những nước tiên tiến đã có chứng nhận kiểm định chuyên ngành. Nếu đơn thuần chỉ cải tiến thủ tục thông quan mà không được thiết lập đồng bộ với các cơ quan chuyên ngành để giảm phiền hà cho DN thì vẫn là… cải cách trên giấy.
Theo ông Phạm Phú Cường, Phòng xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp nhập một mặt hàng hóa chất để pha chế keo dán nhựa nhưng lần nào cũng phải sang Cục Hóa chất để xin giấy phép. Quy định của đơn vị này là phải 7 ngày làm việc, trong khi hàng từ Singapore về rất nhanh.
Chưa hết, thời gian đầu thì xin giấy phép miễn phí, sau này thì thu phí. Ông Cường nhận xét, tiền phí không đáng bao nhiêu nhưng mọi thứ giống như 20 năm trước và cơ quan đang làm những thứ không đáng bởi cứ mỗi lần nhập khẩu là một lần phải có giấy phép.
“Chúng tôi đã từng hỏi hà cớ gì các lô hàng giống nhau mà cứ phải kiểm tra hết, sao không thực hiện quản lý rủi ro”, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, chia sẻ với DN.
(Nguồn:Chinhphu.vn)